Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhân ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam từ người cho chết não

28-03-2018 17:50 | Y học 360
google news

SKĐS - Sau một tháng được ghép phổi, sức khoẻ anh Trần Ngọc Hanh 54 tuổi ở Nam Định- bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam ghép phổi thành công từ người cho chết não đã tiến tiển tốt. Phổi ghép đã dần đảm nhận chức năng hô hấp, không xuất hiện những biến chứng nghiêm trọng về thải ghép, nhiễm khuẩn

Chiều ngày 28/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm, chúc mừng thành công ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não được thực hiện tại Bệnh viện trung ương quân đội 108.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm và động viên bệnh nhân ghép phổi tại Bệnh viện 108

Trung tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện 108 cho biết, sau một tháng được ghép phổi, sức khoẻ anh Trần Ngọc Hanh 54 tuổi ở Nam Định tiến tiển tốt. Bệnh nhân không còn phải thở máy, tự ăn, tự đi lại. Chỉ số xét nghiệm ổn định.Phổi ghép đã dần đảm nhận chức năng hô hấp, không xuất hiện những biến chứng nghiêm trọng về thải ghép, nhiễm khuẩn. Bệnh nhân đang được điều trị chức năng hô hấp, phục hồi chức năng vận động.

Dự kiến bệnh nhân sẽ ra viện trong 1- 2 tháng tới. Sau khi ra viện, bệnh viện vẫn tiếp tục theo dõi sức khỏe, kê đơn thuốc ức chế miễn dịch cho bệnh nhân

Trước đó ngày 26/2, các kíp kỹ thuật của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã triển khai đồng thời 4 phòng mổ lấy-ghép phổi và các tạng khác. Sau gần 8 giờ, dưới dự hỗ trợ của 2 chuyên gia đến từ Pháp, 1 chuyên gia ghép tạng đến từ Bỉ và hơn 60 y bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện 108 đã thực hiện thành công ca ghép đặc biệt này- ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam từ người cho chết não. Bệnh viện cũng đồng thời thực hiện ca ghép thận, ghép giác mạc; chuyển giác mạc còn lại ghép cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Quả tim, thận còn lại được chuyển để ghép cho hai bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh.

"Sự chuẩn bị chu đáo, đồng bộ tất cả các khâu, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, bệnh viện trên nền tảng chuyên môn kĩ thuật cao đã tạo nên một dấu ấn quan trọng trong chuyên ngành ghép tạng của bệnh viện, cứu sống nhiều bệnh nhân”- Trung tướng Mai Hồng Bàng nói.

Chúc mừng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh hiện nay chúng ta đã làm chủ nhiều kỹ thuật cao trong ghép tạng như ghép tim, ghép gan, ghép thận, ghép giác mạc, ghép tế bào gốc máu cuống rốn và ghép phổi từ người cho sống và bây giờ là ghép phổi từ người cho chết não.

Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn đến nghĩa cử cao đẹp của gia đình người hiến mô tạng đã trao tặng sự sống cho 6 người khác.

"Ghép phổi từ người cho chết não được đánh giá là kỹ thuật khó nhất trong kỹ thuật ghép tạng hiện nay bởi sự phức tạp, khẩn trương, chuyên sâu và nhất là sự phối hợp chặt chẽ từ các khâu trong quy trình kỹ thuật. Thành công của ca ghép phổi này thể hiện sự trưởng thành không chỉ của Bệnh viện mà còn là sự trưởng thành của nền y tế Việt Nam, đồng thời kết quả này cũng mở ra một trang mới cho ngành ghép tạng Việt Nam"- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu thành lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân ghép tạng vì chi phí ghép rất tốn kém, người nghèo không có khả năng tiếp cận.

Sau 1 tháng ghép phổi sức khỏe của bệnh nhân Trần Ngọc Hanh đang tiến triển tốt lên

Bộ trưởng đề nghị Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp tục đầu tư nghiên cứu khoa học, tiếp cận và tăng cường hơn nữa, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong khám, chữa bệnh và tích cực tham gia trong hệ thống ghép tạng của cả nước để mang lại sự sống cho nhiều người bện

Trước đó, người hiến tạng là cố quân nhân Lê Hải Ninh, quê ở Ninh Bình. Bệnh nhân được tuyến trước chuyển tới bệnh viện ngày 23/2 sau khi được hồi sinh tim phổi do đột quỵ não xuất huyết dưới nhện lan tỏa, phù não nặng. Bệnh nhân tiếp tục được hồi sức và điều trị tích cực nhưng tình trạng bệnh quá nặng. Bệnh nhân được kết luận bị chết não. Gia đình đã bàn bạc và thống nhất đồng ý hiến tạng cứu người.

Theo Trung tướng Mai Hồng Bàng, đây là nghĩa cử cao đẹp, thiện nguyện, nhân đạo và nhân văn sâu sắc của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Với quan điểm “Cho đi là còn lại” và “Chết không phải là chấm hết mà cuộc sống vẫn tiếp tục được nối dài", đồng chí Lê Hải Ninh mất đi nhưng đã cứu sống 6 người khác.


Thái Bình
Ý kiến của bạn