Đây là thông tin được PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết giai đoạn I thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc do 4 Bộ gồm: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh để tiếp tục triển khai Kế hoạch phòng chống kháng thuốc đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các bộ, ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc chứ không chỉ riêng trong ngành y tế...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, thuốc kháng sinh ra đời từ những năm đầu của thập kỷ 40, là bước ngoặt lớn trong lịch sử y học nhân loại. Kháng sinh giúp cứu sống hàng triệu người mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn như lao, viêm phổi, bạch hầu, viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết,…Tuy nhiên do quá trình chọn lọc tự nhiên của vi khuẩn cũng như việc sử dụng kháng sinh không đúng của con người như dùng không đủ liều, quá liều, không phù hợp với căn nguyên gây bệnh,…và lạm dụng kháng sinh trong y tế, trong nông nghiệp là một trong nhiều nguyên nhân làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh. Chi phí y tế, tác động kinh tế, xã hội cũng như gánh nặng bệnh tật và tử vong do kháng thuốc ngày càng tăng.
Tình trạng kháng thuốc kháng sinh gây tác động lớn đến nền kinh tế, sự phát triển chung của xã hội không chỉ riêng đối với Việt Nam mà còn tác động đến tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay.
Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy: người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Tại Châu Âu: số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong 25.000 người/năm, Thái Lan, tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm, ở Mỹ khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm. Điều này tác động đến kinh tế, xã hội hết sức to lớn (ở Mỹ chi phí trực tiếp hơn 20 tỷ đô la/năm và chi phí gián tiếp hơn 30 tỷ đô la/năm) đặc biệt ở các nước nghèo, kém phát triển.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trước thực trạng kháng thuốc ngày càng trầm trọng, nhân ngày sức khỏe thế giới 07/4/2011, để ứng phó với vấn đề này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lấy khẩu hiệu: “không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” để kêu gọi các quốc gia cùng chung tay phòng, chống kháng thuốc.
Việt Nam đã hưởng ứng mạnh mẽ lời kêu gọi trên và là một trong 6 nước đầu tiên trong khu vực châu Á Thái Bình Dương đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 với sự tham gia của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sau 4 năm triển khai Kế hoạch hành động quốc gia và 2 năm triển khai Văn bản thỏa thuận cam kết đa ngành về phòng, chống kháng thuốc đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng: Triển khai hoạt động truyền thông và mít tinh về kháng sinh và kháng thuốc vào tháng 11 hằng năm. Xây dựng các Văn bản pháp quy (Thông tư hướng dẫn hoạt động xét nghiệm vi sinh trong bệnh viện) tài liệu chuyên môn (hướng dẫn sử dụng kháng sinh, hướng dẫn thực hành kỹ thuật xét nghiệm vi sinh lâm sàng), thiết lập mạng lưới giám sát kháng thuốc,… Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về kỹ thuật vi sinh, quản lý sử dụng kháng sinh…
Bộ NN-PTNT đã xây dựng được Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng, chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã bước đầu triển khai được một số hoạt động.
Trong tổng số 2.953 nhà thuốc được điều tra, có 499/2083 hiệu thuốc ở thành thị (chiếm tỷ lệ 24%) và 257/870 hiệu thuốc ở nông thôn (chiếm tỷ lệ 29,5%) có bán đơn thuốc kê kháng sinh.
Đặc biệt, thuốc kháng sinh đã đóng góp 13% ở thành thị và 18% ở nông thôn trong tổng số doanh thu của hiệu thuốc. Phần lớn thuốc kháng sinh được bán mà không có đơn, chiếm tỷ lệ 88% (ở thành thị) và 91% (ở nông thôn).
Ba loại kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/amoxicillin (29%), cephalexin (12%) và azithromycin (7,3%).