Tại hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện "Dự án chăm sóc sức khoẻ nhân dân các tỉnh Tây Nguyên- giai đoạn 2" diễn ra tại TP Đà Lạt- Lâm Đồng ngày 11/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, với mong muốn góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe của người dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các nhóm đối tượng thiệt thòi khác. Dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 1” được triển khai từ năm 2004 -2010 với tổng mức đầu tư trên 30 triệu USD.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, mặc dù các chỉ số sức khỏe của các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã được cải thiện nhưng chỉ số suy dinh dưỡng thấp còi, tỉ lệ tử vong mẹ, trẻ em vẫn trung bình cao hơn; tỉ lệ một số bệnh dù cải thiện so với trước nhưng vẫn còn thấp so với các khu vực khác trong toàn quốc... Bên cạnh đó, nhu cầu hoàn thiện và nâng cấp hệ thống y tế nhất là mạng lưới y tế cơ sở ngày càng cao để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị
Chính vì thế, Bộ Y tế đã nỗ lực đàm phán nhiều lần để có dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2”, vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhằm tiếp tục triển khai các giải pháp chăm sóc sức khoẻ người dân các tỉnh Tây Nguyên toàn diện hơn nữa
Theo TS Hà Văn Thuý- Giám đốc Dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2”, Dự án được triển khai từ năm 2014 – 2019 (hiện đã được kéo dài đến tháng 6/2020) ví tổng kinh phí gần 70 triệu USD nhằm hỗ trợ phát triển hệ thống y tế 5 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng. Dự án tập trung vào 3 hợp phần: Tăng cường chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại tuyến xã; Cải thiện chất lượng và tiếp cận dịch vụ y tế tại bệnh viện và tăng cường năng lực quản lý tại các tuyến.
Làm rõ thêm các kết quả của dự án trong thời gian qua, TS Hà Văn Thuý thông tin, về công tác xây dựng cơ bản, dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp sửa chữa 83 công trình với tổng kinh phí gần 21,5 triệu USD.
Về mua sắm đấu thầu, Dự án sẽ cung cấp trang thiết bị và xe ô tô cho 99 đơn vị với tổng kinh phí được phân bổ là 25 triệu USD, được chia thành 73 gói thầu. Hiện nay, Dự án đã trao hợp đồng 39 gói thầu (56%), với tổng kinh phí 18,3 triệu USD. Đầu năm 2019, Dự án dự kiến sẽ trao nốt hợp đồng 34 gói, với tổng kinh phí 5,9 triệu USD. Như vậy, toàn bộ cả 73 gói thầu sẽ được trao hợp đồng và hoàn thành trong năm 2019.
Đối với công tác đào tạo nhân lực, TS Hà Văn Thuý cho hay, để phát triển nguồn nhân lực y tế của 5 tỉnh Tây Nguyên, Dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2” hỗ trợ đào tạo cả dài hạn và ngắn hạn về chuyên môn và năng lực quản lý cho cả tuyến huyện và tuyến xã. Hiện nay đã có khoảng 8.850 cán bộ y tế các tuyến từ cơ sở đến tuyến tỉnh đã được đào tạo cả dài hạn và ngắn hạn.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra số khám bệnh của người dân tại trạm y tế xã Đạ Ròn- huyện Đơn Dương- tỉnh Lâm Đồng
Nhấn mạnh đến một trong những nội dung quan trọng của Dự án là công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, TS Hà Văn Thuý cho biết, thời gian qua các hoạt động truyền thông và phát triển cộng đồng của Dự án đã tăng cường các hoạt động tại cộng đồng, truyền thông thay đổi hành vi của cộng đồng tại vùng sâu, vùng xa về phòng chống bệnh, tiếp cận và sử dụng hiệu quả dịch vụ y tế cũng như lợi ích của BHYT.
“Đến nay, Dự án đã triển khai cung cấp các gói dịch vụ y tế thích hợp tại cộng đồng đợt 1 tại 20% số xã, đợt 2 tại 40% số xã. Thực hiện 15/22 chiến dịch truyền thông cộng đồng tại 11 huyện nghèo. Hỗ trợ thực hiện 180/216 hoạt động giáo dục và truyền thông nhóm nhỏ tại 108 xã nghèo. Tổ chức được 53/58 lớp tập huấn kỹ năng truyền thông và cách sử dụng tư liệu truyền thông cho 1.504/1.664 cán bộ”- Giám đốc Dự án Hà Văn Thuý thông tin
TS Hà Văn Thuý cũng cho biết, nhờ những hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đã làm cho bộ mặt của nhiều trạm y tế, trung tâm y tế huyện thay đổi, khang trang đẹp đẽ và được mua sắm, bổ sung nhiều trang thiết bị y tế hiện đại. Đồng thời, nhờ những hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ thiết thực của Dự án, nên người dân nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa bước đầu đã thay đổi nhận thức về chăm sóc sức khoẻ, đã đến trạm y tế sinh đẻ nhiều hơn, đã chủ động tham gia khám sàng lọc và quản lý một số bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, tăng huyết áp, ung thư, hen, COPD...
Tập trung truyền thông, giáo dục sức khoẻ về phòng bệnh cho người dân
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao và ghi nhận hoạt động của Dự án TW cũng như tại các địa phương.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong Nghị quyết 20/ NQ- TW cũng nêu rõ việc bảo vệ, nâng cao chăm sóc sức khoẻ trong tình hình mới là tập trung chú trọng chăm sóc sức khoẻ khi chưa bị bệnh.
Với đặc thù là khu vực có nhiều đồng bào dân dân tộc lại sinh sống ở nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ suy dinh dưỡng và thể thấp còi của các tỉnh Tây Nguyên tương đối cao so với cả nước. Do đó, vấn đề làm sao để đẩy mạnh truyền thông nâng cao sức khoẻ cho người dân, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm.
Đo huyết áp cho người dân tại trạm y tế xã Đạ Ròn- huyện Đơn Dương- tỉnh Lâm Đồng
“Do đó đầu ra trong hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ của Dự án làm sao để người dân các tỉnh Tây Nguyên từ vùng sâu, vùng xa đến vùng thuận lợi đều biết đến việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để phòng chống dịch bệnh; phòng chống sốt rét ra sao; không nên ăn mặn, phải ăn chín, uống sôi, không hút thuốc lá, uống rượu bia... bởi đây là những yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ, chất lượng giống nòi...”- Bộ trưởng nói
Bộ trưởng cũng gợi mở thêm, việc truyền thông cần đơn giản nhưng thiết thực như tẩy giun cho các cháu bé định kỳ, vệ sinh chuồng trại, nhà ở, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh...
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, lâu nay chúng ta chỉ nghĩ công tác dự phòng là phòng chống dịch, tiêm chủng, vệ sinh môi trường, nhưng như thế là bị nhầm bởi dự phòng chỉ là 1 khúc trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Dự phòng bây giờ là làm sao để người dân biết phòng bệnh từ thói quen ăn uống, sinh hoạt, luyện tập; rồi đi khám sàng lọc, theo dõi sức khoẻ để phát hiện bệnh sớm và kịp thời điều trị.
Các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tăng huyết áp, tiều đường ung thư giờ là nguyên nhân của hơn 70% trường hợp tử vong do bệnh không lây nhiễm... mà các bệnh này hoàn toàn có thể dự phòng được bằng lối sống khoảng 40%, tiếp đó 20% là do yếu tố di truyền và 10% còn lại trong điều trị các bệnh này là tác động của y tế.