Hà Nội

Bộ trưởng Bộ Y tế nói gì về kiến nghị đơn giản hóa thủ tục chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT?

07-10-2024 07:36 | Y tế

SKĐS - Để cải cách thủ tục, tạo thuận lợi cho người bệnh, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã có các giải pháp như đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần điều trị bằng kỹ thuật cao người bệnh có thể đi khám tại cơ sở khám bệnh cấp trên...

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh Đồng Nai. Theo đó, cử tri cho biết hiện nay theo quy định bệnh nhân đi khám, chữa bệnh tuyến trên phải làm thủ tục chuyển tuyến gây ra khó khăn cho bệnh nhân, có những trường hợp điều trị tuyến trên đã ổn định cần tái khám theo dõi định kỳ, bệnh nhân vẫn phải làm giấy chuyển tuyến từ Trung tâm y tế huyện lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh, làm giấy chuyển tuyến bệnh viện cấp Trung ương, việc xin thủ tục chuyển tuyến còn phức tạp, nhất là bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa.

Cử tri kiến nghị Bộ Y tế cần quan tâm, xem xét đơn giản hóa thủ tục chuyển tuyến khám chữa bệnh.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay: Việc phân tuyến khám chữa bệnh hiện nay được xây dựng nhằm đảm bảo người bệnh được khám và điều trị tại các cơ sở y tế phù hợp với tình trạng bệnh và khả năng chuyên môn của từng tuyến. Tuyến cao hơn sẽ đảm nhiệm điều trị các bệnh lý nặng và phức tạp hơn.

Khi người bệnh có tình trạng bệnh vượt quá khả năng của tuyến dưới, cơ sở y tế sẽ thực hiện thủ tục chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để tiếp tục điều trị. Ngược lại, khi người bệnh đã ổn định tại tuyến trên và cần theo dõi định kỳ, họ có thể được chuyển về tuyến dưới để tiếp tục điều trị và chăm sóc.

Bộ trưởng Bộ Y tế nói gì về kiến nghị đơn giản hóa thủ tục chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT?- Ảnh 1.

Để cải cách thủ tục, tạo thuận lợi cho người bệnh, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã có các giải pháp như đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần điều trị bằng kỹ thuật cao người bệnh có thể đi khám tại cơ sở khám bệnh cấp trên...

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, hiện nay, thủ tục chuyển tuyến được thực hiện theo Thông tư số 14/2014/TT-BYT của Bộ Y tế. Theo quy định, từ ngày 01/01/2016, người tham gia BHYT đã được thông tuyến huyện trong phạm vi toàn tỉnh và từ ngày 01/01/2021, đã được thông tuyến tỉnh trên toàn quốc đối với khám chữa bệnh nội trú. Điều này tạo thuận lợi cho người dân khi khám chữa bệnh ở các cơ sở tuyến huyện và tuyến tỉnh mà không cần giấy chuyển tuyến.

Quy định về giấy chuyển tuyến đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và mất cân đối quản lý Quỹ BHYT. Các cơ sở tuyến Trung ương được giao chức năng tuyến cuối, tập trung điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, nghiên cứu khoa học, đào tạo nên không thể tập trung vào khám và điều trị các bệnh lý thông thường, chăm sóc ban đầu.

Việc quá tải cũng có nguy cơ gây sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh. Vì vậy, Bộ Y tế mong cử tri thấu hiểu và ủng hộ quy định về giấy chuyển tuyến để góp phần hạn chế tình trạng quá tải bệnh viện, tăng cường hiệu quả hoạt động và chất lượng điều trị của các bệnh viện.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết: Để cải cách thủ tục, tạo thuận lợi cho người bệnh, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã có các giải pháp như đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần điều trị bằng kỹ thuật cao người bệnh có thể đi khám tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp trên mà không phải thực hiện thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đối với một số bệnh mạn tính, người bệnh sẽ được quản lý, theo dõi và cấp phát thuốc chuyên khoa như ở cấp cao hơn giúp người bệnh được điều trị thuận tiện mà không phải chuyển lên cấp cao hơn mà vẫn được hưởng quyền lợi.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đang từng bước ứng dụng giấy chuyển tuyến điện tử, giấy hẹn khám lại điện tử để thuận tiện, kịp thời cho người bệnh.

Trong khám chữa bệnh BHYT, từ 1/7, giấy chuyển tuyến, hẹn tái khám cũng được thí điểm tích hợp lên Cổng Tiếp nhận thông tin giám định BHYT của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (gọi tắt là cổng tiếp nhận).

Việc "số hóa" giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám đã đạt được kết quả. Thông tin tại hội nghị năm 2024 với chủ đề "Trao đổi quản lý bệnh viện trong thời kỳ mới" do Câu lạc bộ Giám đốc Bệnh viện các tỉnh phía Bắc tổ chức mới đây, bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế cho biết, cụ thể trong 2 tháng đã có gần 1 triệu giấy chuyển tuyến BHYT, và hơn 2.629.000 giấy hẹn khám lại điện tử được gửi lên cổng tiếp nhận.

Chỉ tính riêng trong tháng 8/2024 đã có 441.285 giấy chuyển tuyến BHYT và 1.311.122 giấy hẹn khám lại được gửi lên cổng tiếp nhận.

Bước đầu, để tránh làm xáo trộn, tạm thời giai đoạn thí điểm cho phép áp dụng đồng thời cả 2 hình thức bản giấy và bản điện tử giấy chuyển tuyến BHYT và giấy hẹn khám lại khi tiếp nhận người bệnh.

Theo bà Trang, thực hiện theo Đề án 06, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp cùng BHXH Việt Nam và Bộ Công an sẽ tích hợp giấy chuyển tuyến điện tử và giấy hẹn khám lại điện tử lên VNeID trong thời gian tới. Việc tích hợp giấy chuyển tuyến, hẹn tái khám BHYT lên VNeID sẽ tạo kho dữ liệu tập trung, phục vụ phân tích, thống kê, kịp thời điều chỉnh chính sách BHYT sát với thực tế. Điều này cũng giúp công khai, minh bạch trong công tác chuyển tuyến, hẹn tái khám. Hạn chế các hành vi gian lận, giả mạo trong công tác chuyển tuyến, tái khám.

"Đặc biệt, việc này giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển tuyến, tái khám"- bà Trần Thị Trang nói.

Gần 1 triệu giấy chuyển tuyến được "số hoá", tạo thuận lợi khám chữa bệnh BHYTGần 1 triệu giấy chuyển tuyến được 'số hoá', tạo thuận lợi khám chữa bệnh BHYT

SKĐS - Bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế cho biết trong 2 tháng triển khai thí điểm, đã có gần 1 triệu giấy được tích hợp lên Cổng Tiếp nhận thông tin giám định BHYT của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.

Thái Bình
Ý kiến của bạn