Hà Nội

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham dự kỳ họp Hội đồng Chấp hành của WHO

24-01-2018 14:58 | Quốc tế
google news

SKĐS - Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Bộ Y tế nước CHXHCN Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 142 Hội đồng Chấp hành của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ ngày 22/01 – 27/01/2017 tại Geneva, Thụy Sỹ.

Hội đồng Chấp hành của WHO là nơi đề xuất và thảo luận các chính sách lớn về y tế trên toàn cầu, thường họp 02 lần/năm (lần thứ nhất họp chính thức vào tháng 01 và lần thứ hai họp ngắn vào tháng 5 hàng năm ngay sau khi kết thúc Đại Hội đồng Y tế Thế giới). Các chính sách y tế được đưa ra tại EB sau đó sẽ được thông qua tại Đại Hội đồng Y tế Thế giới, làm cơ sở pháp lý để các quốc gia thành viên và WHO triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 142 Hội đồng Chấp hành của Tổ chức Y tế Thế giới với tư cách là thành viên chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới, đồng thời là thành viên chính thức được bầu của Hội đồng Chấp hành WHO nhiệm kỳ 3 năm, từ tháng 5/2016 đến tháng 5/2019, đại diện cho 37 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO. Hội đồng Chấp hành của WHO gồm 34 quốc gia thành viên, đại diện cho sáu khu vực của WHO trên thế giới, có vai trò quan trọng đối với các quyết sách về y tế trên toàn cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 142 Hội đồng Chấp hành của WHO.

Chương trình nghị sự năm nay của Hội đồng Chấp hành lần thứ 142 gồm 05 nhóm vấn đề chính sau: Các vấn đề ưu tiên chiến lược (bao gồm Chương trình làm việc chung lần thứ 13 của WHO giai đoạn 2019 – 2020; Cải tổ WHO; Chuẩn bị và ứng phó với các vấn đề y tế công cộng; Sức khỏe môi trường và Biến đổi khí hậu; Vấn đề thiếu hụt và tiếp cận với thuốc và vắc xin trên toàn cầu; Chiến lược toàn cầu và Kế hoạch hành động về y tế công cộng, phát minh và sở hữu trí tuệ); Các vấn đề chuyên môn khác, bao gồm: Hoạt động thể chất cho sức khỏe; Chiến lược toàn cầu cho Sức khỏe bà mẹ, trẻ em và trẻ vị thành niên (2016-2030); Tăng cường tiếp cận công nghệ hỗ trợ y tế; Dinh dưỡng bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; Các vấn đề khác về quản lý, hành chính và quản trị.

Đây là các vấn đề sức khỏe toàn cầu để các quốc gia cùng thực hiện nhằm tăng cường sức khỏe người dân và hướng đến phát triển bền vững, đồng thời cũng là các nội dung y tế chính sẽ được ra thảo luận và thông qua tại Đại hội đồng Y tế Thế giới vào tháng 5/2018.

Với vai trò thành viên chính thức của Hội đồng Chấp hành từ tháng 5/2016 đến nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đoàn đại biểu của Bộ Y tế đã tích cực đóng góp cho các nội dung của cuộc họp. Việt Nam đã có bài tham luận về Chương trình làm việc chung lần thứ 13 của WHO (GPW 13) giai đoạn 2019 – 2020. GPW13 được xây dựng trong bối cảnh nhiều chuyển biến đang diễn ra. Thế giới phải ứng phó với sự gia tăng về số lượng và sự phức tạp của các tình trạng y tế khẩn cấp như sự bùng nổ của các đại dịch, xung đột, các thiên tai và thảm họa. Việt Nam đánh giá cao và chúc mừng sự nỗ lực của TS. Tedros, Tổng Giám đốc WHO cũng như Ban Thư ký của WHO trong việc lắng nghe ý kiến đóng góp của các quốc gia thành viên và hoàn thiện dự thảo Chương trình làm việc chung lần thứ 13 của WHO (GPW 13) giai đoạn 2019 – 2020. Việt Nam đánh giá cao và hoàn toàn nhất trí với 3 nhiệm vụ và 03 chiến lược ưu tiên nhằm nắm được các vấn đề then chốt mà WHO cần giải quyết, bao gồm: Bao phủ sức khỏe toàn dân (Universal Health Coverage) với mục tiêu có thêm 1 tỉ người được bao phủ y tế; Ứng phó với các tình trạng y tế khẩn cấp (Health emergencies) với mục tiêu có thêm 1 tỉ người được bảo đảm an toàn hơn; Các ưu tiên y tế (Health priorities) với mục tiêu có thêm 1 tỉ người được nâng cao chất lượng sức khỏe. Việt Nam cũng ủng hộ 05 lĩnh vực ưu tiên y tế bao gồm: Phòng chống, phát hiện và ứng phó với đại dịch; Cung cấp các dịch vụ y tế trong tình trạng khẩn cấp và tăng cường hệ thống y tế; Hỗ trợ các quốc gia đạt được mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân và Thực hiện các mục tiêu SDGs liên quan đến y tế bao gồm sức khỏe phụ nữ, trẻ em và trẻ vị thành niên, biến đổi khí hậu và môi trường, phòng chống bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm.

Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc thông qua tài liệu quan trong này và đánh giá cao nỗ lực của Tổng giám đốc WHO trong việc vận động chính sách cho y tế ở cấp chính trị cao nhất trên thế giới kể từ khi được bổ nhiệm và hy vọng rằng Chương trình làm việc chung lần thứ 13 của WHO sẽ nhận được sự hỗ trợ chính trị và tài chính từ các nước và các tổ chức quốc tế khác để WHO có thể hoàn thành vai trò thiết yếu là bảo vệ sức khoẻ của người dân trên toàn thế giới.

Nhân dịp tham dự Kỳ họp lần thứ 142 Hội đồng Chấp hành của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có một số cuộc gặp bên lề với Tỏng giám đốc của WHO, Dr. Tedros. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn WHO chọn Việt Nam làm quốc gia điển hình trong việc thực hiện sáng kiến Bao phủ sức khỏe toàn dân UHC và đề nghị WHO tiếp tục hỗ trợ chính sách cho Việt Nam trong thời gian tới. Bộ trưởng cũng đã có buổi làm việc với TS. Takagi Suzuki, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản để thảo luận về hợp tác song phương giữa Nhật Bản và Việt Nam trong thời gian tới.

Nhân dịp tham dự kỳ họp 142 Hội đồng Chấp hành, Bộ trưởng đã làm việc với Tân Giám đốc Chương trình chống lao toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva, Tiến Sỹ Tereza Kasaeva. WHO đánh giá cao các thành tựu về công tác chống lao của Việt Nam với một chương trình quốc gia mạnh, nhất là nghiên cứu, đổi mới và cơ chế tài chính bền vững để giải quyết các thách thức hiện nay có thể coi như là một mô hình tốt có thể chia sẻ với các nước trên thế giới. Bộ trưởng cũng đã chia sẻ Chiến lược của Việt Nam chấm dứt bệnh lao đã được đưa vào nghị quyết của BCH trung ương Đảng, Bộ Y tế đã ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản bao gồm cả dịch vụ phòng chống lao. TS. Tereza đã đề nghị Việt Nam tham gia và chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị Cấp cao lần thứ nhất của Liên Hiệp quốc tại New York vào tháng 9 năm 2018 về Chấm dứt bệnh lao.

WHO đánh giá cao các thành tựu về công tác chống lao của Việt Nam

Nhân dịp tham dự kỳ họp 142 Hội đồng Chấp hành, Bộ trưởng đã làm việc với Tân Giám đốc Chương trình chống lao toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva, Tiến Sỹ Tereza Kasaeva.

WHO đánh giá cao các thành tựu về công tác chống lao của Việt Nam với một chương trình quốc gia mạnh, nhất là nghiên cứu, đổi mới và cơ chế tài chính bền vững để giải quyết các thách thức hiện nay có thể coi như là một mô hình tốt có thể chia sẻ với các nước trên thế giới.

Bộ trưởng cũng đã chia sẻ Chiến lược của Việt Nam chấm dứt bệnh lao đã được đưa vào nghị quyết của BCH trung ương Đảng, Bộ Y tế đã ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản bao gồm cả dịch vụ phòng chống lao.

TS. Tereza đã đề nghị Việt Nam tham gia và chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị Cấp cao lần thứ nhất của Liên Hiệp quốc tại New York vào tháng 9 năm 2018 về Chấm dứt bệnh lao.




PGS.TS. Trần Thị Giáng Hương
Ý kiến của bạn