Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Lật úp và tháo bỏ nước để phòng chống sốt xuất huyết

16-10-2015 16:48 | Thời sự

SKĐS - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã kêu gọi người dân nâng cao ý thức trong việc chủ động diệt lăng quăng tại các hộ gia đình.

Sáng nay 16/10, tại lễ phát động Chiến dịch mẫu diệt lăng quăng phòng sốt xuất huyết ở phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã kêu gọi người dân nâng cao ý thức trong việc chủ động diệt lăng quăng tại các hộ gia đình và nâng cao vai trò, sự tham gia của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác phòng chống sốt xuất huyết. Và một trong những biện pháp được Bộ trưởng đặc biệt lưu ý là hãy lật úp và tháo bỏ nước để phòng chống sốt xuất huyết.

Tại lễ phát động Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sốt xuất huyết Dengue là bệnh đang lưu hành và hiện đang là vấn đề y tế công cộng lớn trên toàn cầu. Bệnh hiện đang lưu hành tại 128 quốc gia trên thế giới với khoảng 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2015 là năm sốt xuất huyết gia tăng mạnh ở rất nhiều quốc gia, đặc biệt là khu vực châu Á Thái Bình Dương. “Tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết có tính chu kỳ 3 – 5 năm bùng phát 1 lần. Bệnh lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và miền Trung, dịch thường phát triển vào mùa mưa từ tháng 4 đến 11. Trên thực tế, trong nhiều năm qua sốt xuất huyết đã giảm liên tục, giảm từ 3 con số xuống còn 2 con số, từ hàng ngàn xuống còn hàng trăm. Cụ thể, năm 2014 vừa qua, số mắc và tử vong do sốt xuất huyết ở mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bùng phát vẫn rất lớn nên vẫn cần triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phòng chống bệnh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng kiểm tra lăng quăng tại các cây cảnh, lu chứa nước ở nhà dân

Bộ trưởng kiểm tra lăng quăng tại các cây cảnh, lu chứa nước ở nhà dân

Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo, “sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Việc phun hóa chất diệt muỗi chỉ có tác dụng diệt đàn muỗi trưởng thành trong thời gian ngắn, quan trọng và hiệu quả lâu dài là phải thường xuyên diệt lăng quăng và loại bỏ điều kiện để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết không sinh sản và phát triển được. Và biện pháp tốt nhất cần thực hiện là lật úp lu, vại, chum… và tháo bỏ nước tù đọng". Theo đó, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường sống quanh quẩn trong nhà, đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước trong như bể nước, chum vại, lu khạp, bình bông, bể cảnh... đặc biệt các vật phế thải xung quang nhà có khả năng chứa nước mưa như vỏ đồ hộp, chai lọ vỡ, mảnh gáo dừa, lốp xe, chum vại, hốc cây bẹ lá…và sau khi làm sạch các dụng cụ này thì chỉ khoảng 1 tuần đến 10 ngày sau lại có thể nở một đàn muỗi mới vì vậy công tác diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng muỗi đẻ trứng cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và cần sự tham gia của tất cả mọi nhà và của toàn xã hội.

Bộ trưởng thả cá 7 màu để diệt lăng quăng

Bộ trưởng thả cá 7 màu để diệt lăng quăng

Một thực tế theo Bộ trưởng là thời gian qua tại nhiều địa phương chưa được quan tâm đẩy mạnh, nhiều người dân còn lơ là, chủ quan, nhiều cấp chính quyền còn chưa thực sự quan tâm chỉ đạo. Và để triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết, triển khai chiến dịch mẫu diệt lăng quăng, Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành phố tham mưu cho chính quyền các cấp triển khai rộng rãi hoạt động này tại địa phương mình nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động diệt lăng quăng tại các hộ gia đình và nâng cao vai trò, sự tham gia của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội trong công tác phòng chống sốt xuất huyết, đồng thời kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành thời gian để: Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín các lu, khạp, bể chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng, thường xuyên thay nước ở các bình bông/lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh; Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng đến, thu gom đồ phế thải để không cho muỗi đẻ trứng....

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, lật úp lu, vại, chum…và tháo bỏ nước là biện pháp hữu hiệu phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, lật úp lu, vại, chum…và tháo bỏ nước là biện pháp hữu hiệu phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Ngay sau lễ triển khai chiến dịch mẫu diệt lăng quăng “Đội đặc nhiệm phòng chống SXH” do Bộ Y tế, Viện Pasteur TP.HCM và tỉnh Bình Dương đã trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo thực hành chiến dịch tại phường An Phú, thị xã Thuận An với các hoạt động phong phú như: Tuyên truyền vận động, huy động sự chủ động tham gia phòng chống sốt xuất huyết trên các xe loa tuyên truyền, loa phát thanh. Đến từng hộ gia đình hướng dẫn người dân cùng tham gia thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy, ngăn muỗi đẻ trứng phòng chống bệnh SXH. Dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến tận nhà nhiều hộ dân để kiểm tra thực địa công tác phòng chống sốt huyết tại địa phương.

Chiều nay 16-10, tại Viện Pasteur TP. HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế và đoàn công tác của Bộ sẽ tổ chức hội nghị tăng cường phòng chống SXH lần thứ 3 nhằm thảo luận và thống nhất các giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu giảm tối đa số mắc và tử vong do SXH, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài và đề xuất các giải pháp phù hợp để kịp thời tham mưu cho chính quyền.

NGUYỄN HUYỀN


Ý kiến của bạn