Hà Nội

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đạt 224 phiếu tín nhiệm cao

25-10-2018 19:39 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chiều 25/10, Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh theo thứ tự các khối: Chủ tịch nước; Quốc hội; Chính phủ; Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng vì sự tiến bộ của ngành so với nhiệm kỳ trước. Kết quả tín nhiệm này không phải để đánh giá cá nhân mà là đánh giá cả một ngành và chúng tôi là những người đứng đầu ngành chịu trách nhiệm chính".

Bộ trưởng cũng cho rằng có được sự tín nhiệm này là sự nỗ lực cao của toàn ngành y tế, từ trung ương đến địa phương.

"Kết quả lấy phiếu tín nhiệm từ nhiệm kỳ trước là lời nhắc nhở, động lực cho chúng tôi giải quyết quá nhiều bức xúc của ngành. Rõ ràng, ngành y tế đã làm được một số thay đổi tích cực và có tiến bộ. Trong thời gian tới, ngành y tế phải nỗ lực hơn nữa để đổi mới các chính sách"- Bộ trưởng nói.

Ở khối Chính phủ, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế đạt số phiếu như sau:

Số phiếu tín nhiệm cao: 224 phiếu (chiếm 46,19% tổng số đại biểu Quốc hội).

Số phiếu tín nhiệm: 197 phiếu (chiếm 40,62 % tổng số đại biểu Quốc hội).

Số phiếu tín nhiệm thấp: 53 phiếu (chiếm 10,93% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nhiều ý kiến đánh giá, trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và ngành y tế đã không ngừng phấn đấu để đổi mới, cải thiện hệ thống y tế nhằm nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Trả lời VietnamPlus, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho biết: “Trước khi lấy phiếu tín nhiệm, cũng có nhiều đánh giá dư luận cũng nêu về việc không biết các đại biểu có công tâm hay không công tâm, nhưng nhìn chung tôi thấy kết quả này phản ánh phần nào rất đúng tình hình hiện nay. Tôi cho rằng, về cơ bản kết quả này đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, mong muốn của các cử tri”.

Đại biểu Phạm Văn Hoà, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng cho hay: “Qua báo cáo của những người được lấy phiếu tín nhiệm, đã ghi nhận sự sát sao của các lãnh đạo, bộ trưởng, trưởng ngành trong thực hiện nhiệm vụ. Theo tôi, một số vị đã mạnh dạn nhận những hạn chế yếu kém trong ngành, lĩnh vực mình quản lý và đưa ra những lời hứa, lời cam kết khắc phục từ đây đến cuối nhiệm kỳ”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.


Quy trình lấy phiếu tín nhiệm

Theo thông tin từ Chinhphu.vn, sáng 25/10, Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Đầu giờ sáng, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở Đoàn về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.

Sau đó, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín, theo 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Việc tổng hợp phiếu và phân tích kết quả phiếu sẽ được thực hiện toàn bộ bằng máy.

Phiếu tín nhiệm dành cho 4 khối là Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ và TANDTC, VKSNDTC, Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ có màu sắc khác nhau để thuận tiện cho việc kiểm phiếu.

Chiều 25/10, sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Tiếp đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Trước đó, chiều 24/10, Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách 48 người được lấy phiếu tín nhiệm với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành.

Danh sách lấy phiếu tín nhiệm có 50 chức danh, tuy nhiên hai trường hợp không lấy phiếu do chưa đủ thời gian công tác 9 tháng gồm Chủ tịch nước và Bộ trưởng Thông tin Truyền thông (mới được bầu, phê chuẩn cách thời điểm lấy phiếu vài ngày).

Theo Điều 18 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

Trong 2 lần lấy phiếu tín nhiệm trước vào năm 2013, 2014, chưa có trường hợp nào có kết quả lấy phiếu tín nhiệm với quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” để có thể xin từ chức theo quy định. Đồng thời, cũng chưa có trường hợp nào có kết quả từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp”, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm.


T.H
Ý kiến của bạn