Trong chương trình "Sự kiện và bình luận" trên VTV1 mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chia sẻ về những kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của ngành y đối với hai Nghị quyết Trung ương là: Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới; Cũng như giải pháp phát triển y tế cơ sở và nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động của ngành y tế... nhằm hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân
Bộ trưởng Bộ Y tế trò chuyện với cán bộ trạm y tế xã Hát Lìu- huyện Trạm tấu- tỉnh Yên Bái
Những điểm mới đột phá của Nghị quyết TW về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nghị quyết TW về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới vừa được ban hành có một số điểm mới là: Trước hết, Nghị quyết đưa vấn đề bảo vệ chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân từ khi chưa bị bệnh và coi trọng ưu tiên phòng bệnh hơn chữa bệnh lên đầu tiên và coi đây là nhiệm vụ mà mỗi người dân phải tự làm cho chính mình, đồng thời là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp để hướng đến mục tiêu chung là nâng cao sức khỏe tinh thần, thể chất, tinh thần và tuổi thọ và chát lượng cuộc sống của mỗi người dân
Điểm mới thứ 2 của Nghị quyết là, nhà nước ưu tiên đầu tiên cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng các bệnh mới nổi, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường gắn với tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở và lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân để tiến tới bao phủ sức khỏe toàn dân
Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe toàn dân được thực hiện cả dự phòng và điều trị
Điểm mới tiếp theo là đổi mới toàn diện cơ chế tài chính, giá dịch vụ y tế sẽ hướng đến tính đúng, tỉnh đủ, nhà nước sẽ chỉ hỗ trợ cho những người nghèo, người có công, cận nghèo, gia đình chính sách thông qua hỗ trợ mua thẻ BHYT. Còn các đơn vị y tế công lập tự chủ, khuyến khích cả đầu tư y tế tư nhân hoặc các hình thức công tư để huy động sự đóng góp của xã hội
Tiếp theo là đổi mới đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, đồng thời đổi mới về xây dựng kết cấu hạ tầng giảm đầu mối hành chính và cải cách thủ tục hành chính tiến tới sự hài lòng người bệnh
Điểm đổi mới nữa theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết là Nghị quyết này đề ra việc tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, điều trị trong các cơ sở y tế , kiểm soát tốt, tiến tới là kiểm soát quá tải bệnh viện.
Mọi người dân đều được công bằng và đều có cơ hội được tiếp cận như nhau về dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản
Trong Nghị quyết TW 6 đã đề ra một số mục tiêu cụ thể về tuổi thọ, tỷ lệ tiêm chủng, tỷ lệ tham gia BHYT, tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm, tỷ lệ chiều cao người Việt tăng, tỷ lệ giường bệnh /10.000 dân tăng lên, tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế trên 80%, 95% người dân được quản lý sức khỏe…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, các nội dung của Nghị quyết và chính sách của ngành y tế đều hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân có nghĩa là mọi người dân đều được công bằng và đều có cơ hội được tiếp cận như nhau về dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản và không bị khó khăn về tài chính cản trở tiếp cận các dịch vụ này, như chăm sóc sức khỏe ban dầu, dự phòng nâng cao sức khỏe, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ phù hợp với tình trạng bệnh tật và khả năng của người bệnh mà không bị khó khăn về tài chính cản trở.
Các thầy thuốc Việt Nam đã làm chủ nhiều kỹ thuật cao ngang với y tế các nước phát triển. Trong ảnh là các bác sĩ BV Việt Đức đang ghép tim cho bệnh nhân từ người cho chết não
Đẻ hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, vấn đề cải tạo tầm vóc người Việt và các dịch vụ dự phòng và chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh nhân đều hướng sự hài lòng người bệnh cũng cần được triển khai đồng bộ…
5 giải pháp để nâng cao vai trò y tế cơ sở
Cũng tại chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế và hệ thống y tế đã và đang rất nỗ lực, tích cực để triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 2348/NQ-CP về tăng cường y tế cơ sở với nhiều giải pháp đồng bộ như đổi mới và tăng cường hoạt động của y tế cơ sở gắn với bao phủ sức khỏe toàn dân.
Tiếp đến là tăng cường đào tạo nhân lực gắn với chất lượng y tế vì một trong những yếu tố khiến người dân vượt lên tuyến trên gây quá tải chính là do người dân không tin tưởng vào chất lượng dịch vụ y tế, trong đó có chất lượng nhân lực y tế của tuyến cơ sở
Thứ ba là đổi mới tài chính y tế tức là các mức chi trả và mức hưởng thụ tại tuyến y tế cơ sở tăng lên để thu hút người dân đến thăm khám và chăm sóc sức khỏe tại đó
Thứ 4 là đầu tư xây dựng, sửa chữa và nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị của các cơ sở y tế đã cũ, xuống cấp.
Và nhiệm vụ thứ 5 là tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe để người dân nhận thức được cần phải đến cơ sở y tế gần mình nhất để thực hiện chăm sóc, theo dõi sức khỏe từ khi chưa bị bệnh theo nguyên lý y học gia đình
Thăm khám cho người dân tại trạm y tế xã Đồng Thịnh- huyện Yên Lập- Tỉnh Phú Thọ
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin, việc Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 39 quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho y tế cơ sở cũng chính là giải pháp về tăng cường chất lượng dịch vụ bằng tăng cường thêm danh mục dịch vụ kỹ thuật, tăng danh mục thuốc và tăng định mức chi trả.
“Chúng tôi đang điều chỉnh quy định về đinh mức chi trả cho trạm y tế xã vì một đồng cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, cho dự phòng và y tế cơ sở thì rẻ hơn tuyến trên nhiều.
Bên cạnh đó ngành y tế đang đẩy mạnh viêc quản lý, theo dõi bệnh không lây nhiễm ngay tại tuyến cơ sở, đồng thời tăng cường tập huấn, thường xuyên đưa bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới và đưa cán bộ tuyến dưới lên trên học tập nâng cao trình độ”- Bộ trưởng nói.
Xã hội hóa để các cơ sở điều trị ung thư có thêm trang thiết bị phục vụ người bệnh
“Chúng tôi chia sẻ với bệnh nhân và cả nhân viên y tế trước thực tế vất vả trong xạ trị tại cơ sở điều trị ung thư. Chúng tôi cho rằng những giải pháp nêu trên mà tôi vừa nói sẽ có hiệu quả trong tương lai”- Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.
Trước hết, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu và dự phòng để người dân nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của mình, tránh phòng ngừa các yếu tố gây ung thư như tránh hút thuốc lá, uống rượu bia…; Người dân cần phải chăm sóc sức khỏe khi còn khỏe, thực hiện sàng lọc để tăng cường phát hiện sớm để điều trị sớm bệnh ung thư.
Về phía ngành y tế sẽ tiếp tục tăng cường chuyển giao cho tuyến dưới và xây mới/ nâng cấp thêm cơ sở điều trị ung thư
Ngoài ra, trong lúc điều kiện ngân sách có hạn, Bộ Y tế đã bàn thảo và nhất trí phương án tạo điều kiện để Bệnh viện K và các cơ sở y tế khác trình phương án thực hiện xã hội hóa các nguồn, kết hợp công tư để khuyến khích tư nhân đầu tư trang thiết bị để giúp cho cơ sở y tế có thêm nguồn trang thiết bị phục vụ bệnh nhân.
"Tuy nhiên, chúng tôi quản lý giá của máy xã hội hóa để làm sao người bệnh chi trả với mức hợp lý nhất về phần dịch vụ và phần BHYT chi trả nhằm giảm chi từ tiền túi của bệnh nhân"- Bộ trưởng nêu rõ.
Xạ trị cho bệnh nhân ung thư
Người dần cũng cần có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của mình
Tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Đảng và Nhà nước cũng như ngành y tế và cả hệ thống chính trị nỗ lực với mong muốn người dân khỏe cả về thể chất và tinh thần. Người dân được tiếp cận dễ dàng, công bằng và không cản trở về tài chính do đầu tư của nhà nước về chăm sóc sức khỏe ban đầu, về phòng bệnh hơn chữa bệnh, về y tế cơ sở, về phòng chống bệnh không lây nhiễm.
Ngay từ cơ sở được nhận dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng, mà có những dịch vụ không cần phải vượt lên tuyến trên mà có ngay tại chỗ, để gần dân và tiết kiệm. Trong trường hợp nếu bệnh nặng hơn phải vào bệnh viện thì được tiếp cận khám chữa bệnh với chất lượng cao hơn.
“Hiện nay chúng ta đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao ngang tầm thế giới và phải đạt được sự hài lòng của người dân”- Bộ trưởng cho biết
Người dân cần tích cực tham gia BHYT để được chia sẻ tài chính khi không may ốm đau, bệnh tật
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bên cạnh đó người dân cũng phải thể hiện trách nhiệm chia sẻ của mình trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, phải tự mình bảo vệ chăm sóc sức khỏe khi đang còn khỏe mạnh và phải kiểm tra sức khỏe để phát hiện bệnh và để tránh rủi ro về tài chính thì cần tham gia BHYT để đảm bảo tài chính khi ốm đau bệnh tật