Việt Nam nỗ lực tiếp cận, phát triển vắc xin COVID-19
Liên quan đến công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam, thông tin với 700 điểm cầu tại hội nghị tập huấn trên toàn hệ thống cơ sở khám chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, hiện nay có hơn 250 loại vắc xin COVID-19 đang được các nước nghiên cứu, phát triển nhưng chỉ có 13 loại được cấp phép với tổng số có 486 triệu liều trên toàn cầu.
Nhiều nước, ngay từ đầu đã đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu vắc xin và đặt mua vắc xin. Việc thiếu hụt nguồn cung vắc xin đang là vấn đề. Thậm chí ngay khi vắc xin đang nghiên cứu, chưa phát triển, nhiều nước đã đặt mua.
GS. TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Mọi loại vắc xin cả cũ và phát triển thời gian gần đây đều có phản ứng thông thường và không mong muốn Ảnh: Trần Minh
“Cuộc chạy đua vắc xin và thiếu hụt nguồn cung đang hiện hữu, có gần 30 nước mua quá nhu cầu so với nhu cầu thực tế của người dân, có những nước mua tới 400%. Nhiều nước ngay từ đầu năm 2020 đã đặt hàng mua rủi ro, cứ có vắc xin là tiếp cận”- GS.TS Nguyễn Thanh Long nêu thực trạng.
Đối với việc tiếp cận vắc xin COVID-19 của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin thời gian qua, Việt Nam cố gắng đàm phán với các hãng, nhà sản xuất vắc xin trên thế giới, thảo luận đề nghị cung ứng cho Việt Nam.
Trước đó, Việt Nam có trao đổi với các nước trong hợp tác nghiên cứu sản xuất vắc xin và sẵn sàng thử nghiệm giai đoạn 3 nhưng hiện tại việc thử nghiệm này khó khăn vì Việt Nam không phải ở tâm dịch. Hiện nay Bộ Y tế đang nỗ lực tiếp cận nguồn vắc xin trên toàn thế giới.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin lô vắc xin COVID-19 của AstraZececa được cung cấp qua COVAX Ficility (gần 1,4 triệu liều) sẽ bị chậm lại khoảng ba tuần. Điều này có nghĩa là ba tuần đầu tháng 4 sẽ không có liều vắc xin nào về Việt Nam.
Bộ Y tế, Cục Quản lý dược có hai văn bản gửi các đơn vị, gửi các đại sứ tăng cường tiếp cận tăng cường nguồn vắc xin dồi dào cho Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế việc khan hiếm vắc xin là hiện hữu và là thách thức với các nước, nhất là nước đang phát triển như nước ta. Việt Nam không phải là nước ưu tiên về vắc xin vì đang kiểm soát dịch rất tốt.
Vắc xin NanoCovax của Nanogen nghiên cứu, phát triển đã thử nghiệm lần 2 giai đoạn 2 trên người tiêm tình nguyện.
Vắc xin COVIVAC của IVAC nghiên cứu, phát triển đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên người tiêm tình nguyện.
Các điểm cầu tham gia hội nghị trực tuyến sáng ngày 26/3 Ảnh:Trần Minh
"Chúng ta phải hết sức bình tĩnh với phản ứng sau tiêm vắc xin"
Về lo ngại phản ứng không mong muốn sau tiêm vắc xin COVID-19, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết mọi loại vắc xin cả cũ và phát triển thời gian gần đây đều có phản ứng thông thường và không mong muốn. Phản ứng thông thường hết nhanh và tỷ lệ này khá cao.
Một số nước châu Âu tạm dừng tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca để đánh giá khả năng có thể có tình trạng đông máu. Sau khi đánh giá cơ quan Dược phẩm châu Âu không có tuyên bố liên quan nào và một số nước đã quay trở lại tiêm vắc xin.
"Không vì lý do đó chậm lại tiêm vắc xin"- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh và cho biết vắc xin đã dùng có phản ứng không mong mốn nằm trong khuyến cáo của nhà sản xuất và được tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo.
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Hải Dương
Cho biết qua quá trình triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19, sẽ có đánh giá lại để có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên tư lệnh ngành y tế nhấn mạnh, quan trọng nhất phải xử lý ngay, xử lý cao hơn một mức so với quy định, bảo đảm tính an toàn. Các cơ sở phải có phản xạ, khi tiêm vắc xin nếu xuất hiện các triệu chứng thì xử lý càng sớm, càng hiệu quả.
"Trên cơ sở đó, chương trình tiêm chủng sẽ tập huấn lại cho các cơ sở y tế, các Sở Y tế phải tập huấn cho các cơ sở trên địa bàn để khi có vắc xin triển khai rộng rãi vì vắc xin có thời gian sử dụng ngắn, điều kiện bảo quản khó khăn, ở độ âm sâu. Chúng ta phải xử lý nhanh những phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng"- Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý.