Hà Nội

Bộ trưởng Bộ Y tế: Giải đáp thấu đáo nhiều vấn đề “Dân hỏi”

12-04-2015 20:57 | Thời sự
google news

SKĐS - Những vấn đề liên quan sát sườn đến cuộc sống người dân như giảm tải bệnh viện, Luật Bảo hiểm y tế mới áp dụng vào cuộc sống như thế nào…

Những vấn đề liên quan sát sườn đến cuộc sống người dân như giảm tải bệnh viện, Luật Bảo hiểm y tế mới áp dụng vào cuộc sống như thế nào… đã được PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế giải đáp thấu đáo trong Chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời.

Người dân cần tạo thói quen khám chữa bệnh ở tuyến dưới

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nhiệm vụ giảm quá tải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu mà Bộ Y tế đã đặt ra ngay từ đầu nhiệm kỳ. Sau gần 3 năm triển khai Đề án Giảm tải do Chính phủ phê duyệt đến thời điểm này đã có được những kết quả đáng khích lệ. Đó là số BV của tuyến TW đã ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép đã lên tới 23/38 BV, ngoài ra còn có 18/31 BV tuyến cuối của TP. Hồ Chí Minh đã ký cam kết.

Tuỳ theo khả năng giải quyết tình trạng nằm ghép của BV, các cam kết  gồm: bảo đảm mỗi người bệnh sẽ được bố trí 1 giường bệnh ngay sau khi vào điều trị nội trú; hoặc sau 24 giờ kể từ khi nhập viện, mỗi người sẽ được bố trí một giường bệnh; hoặc sau 48 giờ kể từ khi nhập viện, mỗi người bệnh sẽ được bố trí 1 giường bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trong Chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời.

“Chúng tôi nghĩ rằng việc cam kết này không phải chạy theo thành tích bởi đối với những BV có khả năng, họ đã thống nhất trong lãnh đạo và các khoa phòng của BV. Đây là những kết quả không phải chạy theo thành tích mà phải có thực lực, các BV mới dám cam kết. Trước hết, số giường của các BV này đều tăng lên trong thời gian qua hoặc do xây mới các tòa nhà trong BV hoặc đã chuyển sang cơ sở 2, cơ sở 3. Tiếp đến, trong thời gian gần 3 năm qua, các BV tuyến TW và tuyến cuối TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng các BV vệ tinh tại các BV tuyến tỉnh. Đến nay, nhiều BV tuyến tỉnh đã thực hiện được các kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch, chấn thương chỉnh hình, điều trị ung thư, sản nhi… Việc này đã giúp giảm bớt số lượng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên và đây là một trong những giải pháp căn cơ mà hiện nay Bộ Y tế đang tập trung thực hiện nhằm giúp giảm tải cho tuyến trên. Giải pháp tiếp nữa là ngay cả tuyến huyện cũng được chuyển giao công nghệ qua Đề án 1816”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh

Trước băn khoăn của người dân về việc tại sao một số BV lớn như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Chấn thương Chỉnh hình… vốn quá tải, thường xuyên xảy ra nằm ghép vẫn chưa ký cam kết không nằm ghép? Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đòi hỏi này của người dân là rất chính đáng, bởi cơ sở những BV lớn này hiện tại rất chật hẹp. Thực tế hiện nay cho thấy các BV không có khả năng ký cam kết vì số giường bệnh không tăng. Bộ Y tế và địa phương sẽ quyết liệt chỉ đạo tăng thêm số giường bằng cách xây thêm nhà mới và khởi công cơ sở 2. Chúng tôi cũng hy vọng trong thời gian tới, các BV trên sẽ có khả năng ký cam kết không nằm ghép.

“Trong nghiên cứu độc lập của chúng tôi, có từ 30 - 60% bệnh nhân điều trị ở tuyến cuối tại TW và TP. Hồ Chí Minh có thể điều trị ở tuyến dưới và thời gian nằm viện có thể rút ngắn bởi vì quy trình khám chữa bệnh hiệu quả đến khi ra viện, tránh nằm lâu vì dễ nhiễm trùng bệnh viện và tính về hiệu quả kinh tế cho cả người dân và cho cả bệnh viện. Vì vậy, người dân cần tạo ra thói quen khám ở tuyến gần nhất có chất lượng cao, ngày càng cao. Bộ Y tế sẽ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra thông tin.

Tham gia BHYT - tránh rủi ro cho mọi người không may mắc trọng bệnh

Tại chương trình, giải đáp những khúc mắc của người dân về BHYT hộ gia đình, Bộ trưởng chia sẻ, Luật BHYT sửa đổi đã được Quốc hội bàn bạc kỹ và thông qua có điểm mới, trong đó có bắt buộc người dân phải mua BHYT cho cả gia đình. Đây là kinh nghiệm các nước đã từng trải qua khi muốn thực hiện BHYT toàn dân, đặc biệt trong điều kiện kinh tế - xã hội giống Việt Nam hiện nay, bắt buộc phải thực hiện BHYT toàn dân thì mọi người dân mới được chia sẻ. Bắt buộc BHYT là quy chế tài chính để chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm trong cộng đồng. Vì thế, khi ta mua cho những người trong hộ gia đình, nghĩa là ta chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm cho người trong gia đình trước, tiếp đó là chia sẻ với cộng đồng và từ đó, cộng đồng chia sẻ cho những người bị ốm. Cách thức này sẽ khuyến khích ngày càng nhiều người tham gia BHYT càng tốt, tránh được tình trạng chỉ có người ốm mua bảo hiểm.

Tham gia BHYT, người dân được hưởng nhiều quyền lợi để bảo vệ sức khỏe.            Ảnh: TM

“Khi tham gia mua BHYT cho gia đình, quyền lợi được tăng lên, tức là mệnh giá trung bình hiện nay là 621.000 đồng, nếu từ người thứ 2, 3, 4, 5 thì sẽ chỉ phải đóng mức 80%, 70%, 50% và người thứ 5 chỉ còn đóng 40% mệnh giá hiện nay. Như vậy có nghĩa là càng nhiều người tham gia thì mệnh giá phải đóng càng giảm”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, những người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công được Nhà nước mua BHYT hoàn toàn và trả hết các chi phí theo BHYT. Những đối tượng khác khai tham gia BHYT ít nhất cũng được trả 80% chi phí khám chữa bệnh. Những phân tích trên cho thấy đây là gói dịch vụ mà người dân được hưởng cao nhất. Trong lộ trình theo Nghị quyết của Quốc hội, giá dịch vụ phải tiến tới tính đúng, tính đủ mới đảm bảo giá trị thực của giá dịch vụ, rõ ràng tham gia BHYT sẽ có rất nhiều quyền lợi, tránh rủi ro cho mọi người trong đó có người đang ốm, đang bệnh và những người đang khỏe mạnh. “Do đó, chúng tôi thấy rằng, chủ trương của Luật là đúng bởi sức khỏe là vốn quý nhất. Để bảo vệ vốn quý nhất của mỗi chúng ta, mọi người dân hãy tham gia BHYT”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thái Bình

 

 


Ý kiến của bạn