Cùng tham gia buổi làm việc với Bộ trưởng Đào Hồng Lan, về phía Bộ Y tế có lãnh đạo các Vụ/Cục/Viện/Bệnh viện thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.
Về phía WHO Tây Thái Bình Dương, cùng tham dự có Giám đốc chương trình loại trừ Sốt rét Mekong; Chuyên gia tư vấn sốt xuất huyết; Điều phối viên các bệnh truyền nhiễm tích hợp, Văn phòng WHO Tây Thái Bình Dương;
Bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam và các cán bộ kỹ thuật của WHO Việt Nam cùng dự buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan chào mừng đoàn công tác của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đã đến thăm và làm việc với Bộ Y tế.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá cao sự ủng hộ của WHO trong suốt thời gian qua, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19 và sau đại dịch. WHO luôn đồng hành cùng ngành y tế trong việc hỗ trợ kỹ thuật và tất cả các lĩnh vực, vấn đề liên quan đến sức khỏe.
Tại buổi làm việc hai bên cùng trao đổi về hỗ trợ Việt Nam thực hiện Khung kế hoạch khu vực về đạt tới những mục tiêu chưa đạt được ở khu vực Tây Thái Bình Dương giai đoạn 2022-2030 (Regional Framework for Reaching the Unreached in the Western Pacific); Trao đổi về các thực hành tốt nhất và tiến độ của các chiến lược tăng tốc để loại trừ bệnh sốt rét; Trao đổi bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết của cả nước và hỗ trợ tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ, Bộ Y tế đặc biệt cảm ơn WHO đã hỗ trợ trong chương trình tiêm chủng tại Việt Nam. WHO đã cùng Bộ Y tế giải quyết các thách thức gần đây trong việc cung cấp vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng. WHO đã và đang làm việc cùng UNICEF để hỗ trợ Bộ Y tế giải quyết những thách thức này.
"Bộ Y tế cảm ơn WHO và các đối tác đã đưa ra giải pháp để giải quyết thách thức này trong ngắn hạn cũng như trong lâu dài một cách bền vững" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Tại buổi làm việc, đại diện WHO khu vực Tây Thái Bình Dương cho biết, WHO chúc mừng Chính phủ Việt Nam trong công cuộc ứng phó với đại dịch, đặc biệt là tốc độ và quy mô của việc triển khai tiêm COVID-19, mở đường cho giải pháp tiếp cận theo từng giai đoạn để dần mở cửa lại nền kinh tế; đồng thời là quốc gia có tốc độ phục hồi kinh tế nhanh nhất hậu COVID-19 ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Điều này đạt được là nhờ sự lãnh đạo quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ và sự dẻo dai của toàn hệ thống chăm sóc y tế.
Theo đại diện WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, giai đoạn khẩn cấp của đại dịch hiện đã chính thức kết thúc và Việt Nam đang ở trong trạng thái rất tốt với ít số ca bệnh và số ca nhập viện. Nhưng bản thân virus vẫn chưa biến mất và nếu không được liên tục kiểm soát cẩn thận, virus vẫn có thể gây ra mối đe dọa. WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ đối với Việt Nam trong việc kiểm soát virus này và các mối đe dọa đại dịch tiềm ẩn khác trong tương lai.
"Đặc biệt, chúng tôi đang tích cực làm việc để hỗ trợ Việt Nam trong việc tiếp nhận công nghệ mRNA trong sản xuất vaccine, điều này sẽ làm tăng năng lực sản xuất vaccine của Việt Nam" - đại diện WHO khu vực Tây Thái Bình Dương nói.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Y tế bày tỏ trong thời gian tới, Bộ Y tế mong muốn tiếp tục hợp tác với WHO trong các nội dung ưu tiên, bao gồm: Hoàn thiện thể chế trong việc xây dựng các Luật về Khám chữa bệnh, Bảo hiểm, Mua sắm, định giá.
Đề nghị WHO hỗ trợ, truyền đạt các quy tắc và quy chuẩn toàn cầu của WHO áp dụng vào bối cảnh Việt Nam, nhằm hỗ trợ bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân Việt Nam; Các vấn đề liên quan đến sức khỏe, từ kiểm soát dịch bệnh, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh nói chung, thúc đẩy lối sống lành mạnh và xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ y tế quốc gia hiệu quả và bền vững – phù hợp với mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân…