Phiên họp đặc biệt này đánh dấu mốc 20 năm thực hiện Chương trình hành động ICPD. Đó là cơ hội để cộng đồng quốc tế cùng nhau tìm cách ứng phó với các thách thức mới liên quan đến dân số và phát triển (như già hóa dân số và biến đổi khí hậu) và tăng cường lồng ghép các vấn đề dân số vào chương trình phát triển sau 2015.
Trong bản Báo cáo chỉ số, các nội dung đều nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền con người và cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm của Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 và nhằm kêu gọi ưu tiên cho các mục tiêu về bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, đầu tư cho những người trẻ tuổi, tăng trưởng kinh tế và tiếp cận phổ cập tới sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và quyền sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.
Những phát hiện chính của Báo cáo về đánh giá việc thực hiện Chương trình hành động ICPD nhấn mạnh sự tiến bộ đáng kể đã đạt được từ năm 1994 trong bình đẳng cho phụ nữ, sức khỏe người dân và tuổi thọ trung bình, trình độ giáo dục và giảm nghèo cùng cực. Bản Báo cáo cũng kêu gọi cần chú ý đến các nhu cầu quan trọng để mở rộng quyền con người và bảo vệ tất cả mọi người không bị phân biệt đối xử và bạo lực; đầu tư vào y tế và giáo dục trọn đời, đặc biệt là cho thanh niên; đạt được tiếp cận phổ cập tới sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và quyền sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; đảm bảo an ninh về nơi sinh sống và khi di trú; xây dựng các thành phố bền vững; thay đổi cách thức tiêu dùng; và tăng cường vai trò lãnh đạo và trách nhiệm toàn cầu.
Bộ trưởng và đoàn đại biểu tham dự Đại hội đồng LHQ
Trong bài phát biểu tại Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ, GS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng, Bộ Y tế Trưởng Đoàn Việt Nam đã nhấn mạnh những thành tựu của Việt Nam đạt được trong 20 năm qua. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội ở đất nước, tình trạng sức khỏe của người dân Việt Nam, đặc biệt là tình trạng sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục đã được cải thiện đáng kể. Với những thành tựu này, Việt Nam trở thành một trong số ít nước trên thế giới được đánh giá đạt tiến độ thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ 4 và 5 vào năm 2015.
Ngoài việc tham dự Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến còn thực hiện một số cuộc họp song phương. Bộ trưởng đã gặp và trao đổi với Bà Geeta Rao Gupta, Phó Giám đốc Chấp hành Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF). Bộ trưởng thay mặt Chính phủ Việt Na đã cám ơn UNICEF giúp đỡ Việt Nam trong các chương trình dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe trẻ em, nuôi con bằng sữa mẹ, cung cấp và sản xuất vắc xin, chương trình nước sạch… Bà Geeta Rao Gupta đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam trong việc chăm sóc trẻ em và cho biết UNICEF coi Việt Nam là điểm sáng trong các chương trình hợp tác, hỗ trợ của UNICEF.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng có buổi làm việc với Bà Anne-Birgitte Albrectsen, Trợ lý Tổng thư ký LHQ, Phó Giám đốc chấp hành Quỹ Dân số LHQ (UNFPA). Bà Anne-Birgitte Albrectse đánh giá cao Việt Nam vì các thành tựu Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực dân số-KHHGĐ, sức khỏe sinh sản và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là xây dựng Luật Dân số. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu của UNFPA cho Việt Nam trong hơn 30 năm qua và mong UNFPA tiếp tục giúp đỡ Việt Nam xử lý các vấn đề dân số mới nảy sinh như mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số, tận dụng cơ hội dân số vàng…
Trong những năm tới, cùng các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, duy trì an ninh, trật tự xã hội và phát triển bền vững, Nhà nước Việt Nam sẽ ưu tiên tập trung các nội dung dưới đây trong chương trình phát triển bền vững của mình.
- - Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách, luật pháp để đáp ứng các biến động về nhân khẩu học như già hóa dân số, di dân, đô thị hóa, mất cân bằng giới tính khi sinh...
- - Tiếp tục tăng cường hệ thống y tế để đảm bảo quyền tiếp cận phổ cập các dịch vụ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo vùng sâu, vùng xa, dân di cư;
- Mở rộng và nâng cao chất lượng mạng lưới dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục thân hiện với vị thành niên; lồng ghép giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, kỹ năng sống trong hệ thống trường học phù hợp với cấp bậc học và lứa tuổi.
Đoàn công tác bộ y tế (gửi từ New York)