Hà Nội

Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo nghiên cứu thành lập trung tâm xạ trị proton và hạt nặng

20-12-2017 21:02 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tại khu vực Đông Nam Á, chưa có trung tâm xạ trị proton - hạt nặng nào, mặc dù đây là phương pháp tiên tiến, hiện đại, ít tác dụng phụ, đem lại hiệu quả điều trị cao trong các loại ung thư đầu cổ, tiền liệt tuyến, ung thư gan, phổi... đặc biệt là ung thư nhi khoa.

Chiều ngày 18/12/2017, TTND.PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế  đã có buổi làm việc với nhóm chuyên gia xạ trị đến các Viện/Trung tâm xạ trị proton và hạt nặng của Hoa Kỳ,  Nhật Bản và Bệnh viện K để cùng thảo luận về ứng dụng xạ trị Proton và hạt nặng trong điều trị ung thư.

Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn chuyên gia.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đã nghe PGS.TS Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K báo cáo một số nét chính về tình hình xạ trị tại Việt Nam và nội dung của hội thảo khoa học “Ứng dụng xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư” được tổ chức cùng ngày tại Bệnh viện. Bộ trưởng cũng lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia quốc tế trong việc ứng dụng, vận hành trung tâm xạ trị proton- hạt nặng cũng như những lời khuyên từ các chuyên gia quốc tế trong việc xây dựng trung tâm proton-hạt nặng trong điều trị ung thư tại Việt Nam.

Buổi làm việc của Bộ Trưởng Bộ Y tế với đoàn chuyên gia cấp cao về xạ trị đến từ Hoa Kỳ và Nhật Bản

Phương pháp chữa trị xạ trị proton và hạt nặng là phương pháp xạ trị tiến tiến và hiện đại nhất hiện nay trong điều trị ung thư. Hiện nay, trên thế giới đã có khoảng 40 trung tâm xạ trị proton-hạt nặng nhưng chưa có trung tâm nào tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Phương pháp tiên tiến này cho phép xạ trị những khối u kháng với xạ trị thông thường khác như xạ trị Cobalt, xạ trị gia tốc, đặc biệt rất hiệu quả trong điều trị ung thư đầu cổ, tiền liệt tuyến, ung thư gan, phổi... đặc biệt là ung thư nhi khoa mà rất ít tác dụng phụ. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị bằng ion nặng có kích thước khối u giảm hoặc không tăng lên sau 3 năm rất khả quan, cụ thể là trên 90% với ung thư phổi không tế bào nhỏ; 80-90% ung thư gan; gần 100% ung thư tiền liệt tuyến. Tỷ lệ sống thêm sau 3 năm của ung thư phổi giai đoạn I và II là 86%; ung thư gan là 72%; sống thêm sau 2 năm của ung thư tụy là 36%; sống thêm trung bình sau 5 năm của ung thư tiền liệt tuyến: 99%; ung thư trực tràng: 53%; ung thư đầu cổ: 74%. Thời gian chiếu xạ khi điều trị bằng hạt nặng cũng ngắn hơn xạ trị proton khiến số lượng bệnh nhân điều trị bằng hạt nặng cao gấp 2 -  lần số lượng bệnh nhân điều trị proton. Ví dụ như với ung thư phổi giai đoạn I thì chỉ cần chiếu xạ 1 lần duy nhất...

Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến tặng quà lưu niệm cho các chuyên gia.

Với những hiệu quả mà phương pháp xạ trị bằng proton và hạt nặng mang lại cho người bệnh, Bộ trưởng đã chỉ đạo Bệnh viện K hợp tác với các chuyên gia quốc tế trong việc đào tạo nhân lực xạ trị, nghiên cứu khoa học cũng như xây dựng đề án  thành lập Trung tâm Xạ trị proton và hạt nặng tại bệnh viện K để trình Chính phủ.

 


Hải Yến
Ý kiến của bạn