Xin Bộ trưởng đánh giá tình hình dịch COVID-19 ở nước ta trong thời điểm hiện tại?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Qua 3 đợt dịch COVID-19, chúng ta đều nhận thấy đợt dịch sau phức tạp hơn đợt dịch trước.
Đợt dịch lần thứ 4 xuất hiện từ ngày 27/4 đến nay, hiện đã có 528 trường hợp tại 26 tỉnh, thành phố. Điểm đáng chú ý của đợt dịch lần này là dịch bệnh diễn biến phức tạp với sự xuất hiện nhiều ổ dịch đồng thời cùng lúc ở nhiều địa phương khác nhau.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế: Các địa phương chưa có dịch COVID-19 cũng phải nâng báo động lên cao hơn một mức
Đợt dịch này có nhiều nguồn lây nhiễm: Thứ nhất, từ các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mà trong quá trình cách ly chúng ta thực hiện quản lý chưa nghiêm;
Nguồn lây nhiễm thứ hai, là trong cộng đồng cũng có các trường hợp lây nhiễm, rồi từ đó lây vào bệnh viện, từ bệnh viện lại lây ra cộng đồng;
Thứ ba là chủng virus lần này khác hơn so với các lần trước, đó là chủng Ấn Độ với đột biến kép làm tăng khả năng lây nhiễm lên nhiều lần. Nếu như chủng của Anh lây gấp 1,7 lần so với các chủng trước đó, thì chủng Ấn Độ còn lây nhiễm mạnh hơn chủng của Anh.
Thực tế này đòi hỏi công tác phòng chống dịch phải rất khẩn trương. Đánh giá tình hình dịch bệnh tại các địa phương cho thấy, các địa phương đang rất tự tin trong kiểm soát dịch bệnh. Vì các ca mắc trong những ngày gần đây chủ yếu là trong các khu cách ly, khu vực đã được giãn cách, phong tỏa. Vì vậy khả năng dịch lan rộng trong cộng đồng tại các địa phương đang trong tầm kiểm soát.
Trước diễn biến của dịch bệnh phức tạp, Bộ Y tế tập trung vào những biện pháp trọng tâm nào trong phòng chống dịch, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Ngay từ khi xuất hiện dịch đến nay, Bộ Y tế luôn đặt trong tình trạng báo động rất cao. Bộ Y tế liên tục chỉ đạo các địa phương, các đơn vị triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chúng tôi liên tục có báo cáo đánh giá, nhận định tình hình, từ đó đề xuất và đưa ra những giải pháp cụ thể để phòng chống dịch.
Biện pháp đầu tiên là huy động toàn bộ hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, huy động mọi người dân đồng lòng, tích cực tham gia phòng chống dịch;
Thứ hai là triển khai tất cả các biện pháp theo nguyên tắc phát hiện, ngăn chặn, cách ly, dập dịch một cách hiệu quả, phải hành động mau lẹ, triển khai quyết liệt mọi biện pháp theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
Thứ ba là triển khai đồng bộ tất cả các biện pháp về chuyên môn kỹ thuật: Từ xét nghiệm đến điều trị;
Thứ tư là ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác phòng, chống dịch và công tác truyền thông để người dân hiểu, hỗ trợ và hợp tác chống dịch hiệu quả.
Tại thời điểm hiện nay, chúng ta chuyển trạng thái từ chủ động sang chủ động tấn công, tức là trước đây chúng ta tập trung vào truy vết các trường hợp tiếp xúc gần, có khả năng lây nhiễm, lần này chúng ta triển khai tầm soát xét nghiệm trên diện rộng. Bộ Y tế đã có hướng dẫn tăng cường công tác xét nghiệm, chủ động phát hiện sớm đối với tất cả nhóm người có nguy cơ cao.
Chúng ta cũng chuẩn bị những kịch bản ứng phó với dịch xuất hiện trong cộng đồng hay số ca bệnh tăng mạnh. Vì vậy các địa phương phải chuẩn bị những tình huống về điều trị, rà soát lại tất cả về cơ sở vật chất, con người, thuốc men, vật tư để đảm bảo trong bất cứ tình huống nào chúng ta đều không bị động.
Bộ Y tế đã có hướng dẫn tăng cường công tác xét nghiệm, chủ động "tấn công" phát hiện sớm đối với tất cả nhóm người có nguy cơ cao.
Ở đợt dịch này, một số bệnh viện đã phải phong toả, cách ly vì có ca bệnh. Vậy, Bộ Y tế đã có những giải pháp gì để ngăn chặn “làn sóng” dịch trong bệnh viện?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Bệnh viện nói chung là một trong những nơi có nhiều yếu tố nguy cơ có thể làm lây lan dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương, nơi tiếp nhận bệnh nhân đến từ mọi miền của đất nước, nên khả năng dịch bệnh xâm nhập rất cao.
Bộ Y tế liên tục có chỉ đạo các bệnh viện về sàng lọc, phân luồng bệnh nhân, đảm bảo công tác khám chữa bệnh. Chúng ta vừa phải đạt mục tiêu đảm bảo khám chữa bệnh cho người dân vừa phải đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Lần này Bộ Y tế nâng cao hơn một mức, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tiến hành xét nghiệm sàng lọc định kỳ đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế, tăng cường xét nghiệm tại một số khu vực có nguy cơ cao như khu hồi sức cấp cứu, khu chạy thận nhân tạo…
Các bệnh viện chỉ cho bệnh nhân chuyển tuyến khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Khi chuyển tuyến phải báo cáo với chính quyền địa phương nơi đón tiếp bệnh nhân để giám sát tại nhà.
Khi có tình huống dịch xảy ra tại bệnh viện, chúng ta cần kịp thời khoanh vùng cách ly ngay đối với bệnh viện đó.
Vấn đề nữa là tăng cường năng lực của các bệnh viện, vừa là nơi phòng chống COVID-19 vừa là nơi tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19.
Chúng tôi yêu cầu các bệnh viện đặt trong tình trạng báo động rất cao, đặc biệt là kiểm soát lây nhiễm và các biện pháp phòng, chống dịch trong bệnh viện.
Đối với những tỉnh thành chưa có dịch COVID-19, cần phải tăng cường kiểm soát chủ động ra sao để ngăn chặn dịch xuất hiện và lây lan trên địa bàn, đặc biệt là vấn đề cách ly?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Chúng tôi khuyến cáo các tỉnh, thành phố dù chưa có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng cũng phải nâng mức báo động lên một mức cao, coi như địa phương đó đã có dịch để triển khai tất cả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Qua 3 lần đối phó với dịch bệnh, chúng ta luôn nâng cao hơn một mức so với yêu cầu. Vì vậy các địa phương phải triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh như trung ương đã đề nghị từ giám sát, sàng lọc, cách ly đến chuẩn bị kịch bản ứng phó cho các tình huống xấu nhất.
Bộ Y tế đã nâng thời gian cách ly tập trung lên 21 ngày và xét nghiệm nhiều lần hơn, để đảm bảo khả năng nhiễm SARS-CoV-2 đối với những người nhập cảnh ở mức rất thấp
Về công tác cách ly tập trung, cần thực hiện nghiêm và chặt chẽ hơn. Trước đây chúng ta cách ly người nhập cảnh trong 14 ngày, nhưng do biến chủng kép và qua thực tiễn, Bộ Y tế nâng thời gian cách ly tập trung lên 21 ngày và xét nghiệm nhiều lần hơn, để đảm bảo khả năng nhiễm SARS-CoV-2 đối với những người này ở mức rất thấp.
Vấn đề nữa là cần thực hiện nghiêm các hướng dẫn trong khu cách ly. Các khu cách ly phải đặt trong sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý, đảm bảo không có lây nhiễm trong khu cách ly.
Với mục tiêu vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa đảm bảo phòng chống dịch nên chúng ta triển khai tất cả các biện pháp phòng chống dịch trong một trạng thái bình thường mới, vừa sản xuất kinh doanh nhưng không lơ là, mất cảnh giác để dịch xảy ra. Đây là những yêu cầu chung đối với các tỉnh chưa có dịch.
Hiện nay, các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chưa có dịch xuất hiện, tuy nhiên nguy cơ dịch COVID-19 vẫn hiện hữu khi một số tỉnh có đường biên giới với Campuchia. Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương ở khu vực này trong công tác phòng chống dịch như thế nào, đặc biệt là tăng cường năng lực xét nghiệm và điều trị COVID-19?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Trong thời gian qua, với nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ Campuchia về Việt Nam, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Y tế và các đồng chí Thứ trưởng làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống dịch và an toàn tiêm chủng tại khu vực này, đặc biệt các điểm giáp biên giới Campuchia. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng cũng đã đi khảo sát, kiểm tra về công tác phòng chống dịch tại các khu vực này.
Qua kiểm tra, chúng tôi thấy có một số vấn đề như, thứ nhất là ngăn chặn nhập cảnh trái phép. Chúng tôi đề nghị các địa phương phối hợp Bộ Quốc phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát các điểm chốt, tăng cường lực lượng ở biên giới để ngăn chặn nhập cảnh trái phép.
Mặt khác huy động toàn dân tố giác người nhập cảnh trái phép, báo cho chính quyền địa phương để xử lý theo quy định.
Chúng tôi cũng đã đưa ra các điểm yếu mà nhiều địa phương thường gặp phải: Đó là xét nghiệm, do đó cần phải tăng công suất xét nghiệm để chủ động trong công tác này.
Thứ hai là vấn đề cách ly, các địa phương phải chuẩn bị các tình huống cách ly số lượng lớn nhiều người trở về Việt Nam trong cùng một thời điểm để không bị động, lúng túng.
Thứ ba là phải tính đến tình huống phong tỏa, giãn cách xã hội trên địa bàn rộng khi có dịch để chủ động các biện pháp phòng chống dịch.
Vấn đề nữa là việc triển khai các bệnh viện dã chiến trên địa bàn để chủ động trong công tác điều trị. Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện tuyến trung ương hỗ trợ các địa phương trong khu vực thiết lập các bệnh viện dã chiến; đồng thời, Bộ Y tế sẽ triển khai bệnh viện dã chiến ở trung tâm vùng tại TP Cần Thơ để tiếp cận, điều trị cho những bệnh nhân nặng đảm bảo điều trị theo phương châm “4 tại chỗ”của Chính phủ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!