Báo SKĐS trân trọng gửi đến bạn đọc những chia sẻ của bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ngay trước sự kiện này.
PV: Bộ trưởng có thể cho biết vài nét về nhu cầu gép mô, tạng trên thế giới.
Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục. Cho đến nay, kỹ thuật này ngày càng phát triển không ngừng và được ghi nhận là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới, là 1 trong 10 phát minh về khoa học kỹ thuật làm thay đổi cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ 20. Hàng năm trên
ế giới có hàng triệu người được ghép mô, tạng.Lượng bệnh nhân được ghép mô, tạng cũng ngày càng gia tăng qua các năm.Nhu cầu cần ghép mô, tạng ngày càng lớn.
Theo báo cáo của Mạng lưới chia sẻ mô, tạng Mỹ, hiện toàn nước Mỹ có 121.600 người trong danh sách chờ được ghép tạng, trong số đó 99.201 trường hợp trong danh sách chờ được ghép thận. Trung bình mỗi tháng có thêm khoảng 2.500 bệnh nhân mới bổ sung thêm vào danh sách chờ được ghép thận, 20 phút có thêm 1 người vào danh sách chờ ghép thận. Năm 2013, nước Mỹ có 3.381 bệnh nhân chết trong khi chờ ghép thận, trung bình 1 ngày có 14 bệnh nhân chết trong thời gian chờ đợi có thận phù hợp để được ghép.
Khu vực Tây Âu có gần 40.000 bệnh nhân chờ được ghép thận trong khi số các trường hợp hiến từ tử thi chỉ duy trì ở mức 5.000 ca mỗi năm. Tại Vương quốc Anh, năm 2012, mặc dù số trường hợp hiến tặng mô, tạng sau khi chết tăng thêm 50% kể từ năm 2008, ước tính 1 năm có khoảng 1.000 người chết trong thời gian chờ được ghép tạng. Danh sách người chờ được ghép tạngở Trung Quốc cũng lên tới con số 1,5 triệu người. Tỷ lệ chết trong khi chờ ghép tim, gan hoặc phổi trong khoảng từ 15-30% tùy thuộc vào loại mô, tạng chờ được ghép.Chính việc thiếu nguồn cung trầm trọng đã dẫn đến sự bùng nổ của thị trường chợ đen và nạn buôn bán bộ phận cơ thể người trên thế giới hiện nay. Song hành với nó là tình trạng gép mô, tạng trái phép trên quy mô toàn cầu, kéo theo nhiều hệ lụy về nhân quyền, kinh tế và đạo đức.
PV: Xin Bộ trưởng cho biết đánh giá của mình về tình hình và nhu cầu gép mô, tạng ở Việt Nam
Ở Việt Nam trong những năm qua, nhu cầu về ghép mô, tạng là rất lớn và ngày một gia tăng. Theo ước tính, trong 1 triệu dân có khoảng 60-70 người bị suy thận mạn, 30% trong số này là suy thận ở giai đoạn IV và ghép thận là biện pháp điều trị tối ưu nhất. Theo số liệu thống kê tính đến hết ngày 30-6-2014, chúng ta đã có 14 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện gép tạng, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật tương đương khu vực và thế giới nhưng số lượng các ca ghép mô, tạng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các con số khiêm tốn: Ghép thận (±1.011 ca), ghép gan (37 ca), ghép tim (11 ca), ghép thận - tụy (1 ca), ghép giác mạc riêng BV Mắt Trung ương từ 2005 đến nay đã ghép được 1.401 ca. Trong khi đó, nhu cầu người chờ ghép lại ở mức rất cao. Chỉ tính riêng tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...Như vậy tính trên cả nước, hàng chục ngàn người thuộc diện có nhu cầu gép tạng tiềm năng và có khoảng 4000 người suy thận mạn cần được ghép thận,khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc.Mặc dù số người đăng ký hiến giác mạc cho đến nay đã tăng lên đến hơn 40.000 người, nhưng con số hiến thực tế vẫn rất thấp.Có thể thấy khó khăn trở ngại lớn nhất với ngành ghép mô, tạngcủa nước ta hiện nay không phải là vấn đề kỹ thuật mà là do thiếu nguồn mô, tạng để có thể thực hiện cấy ghép.
PV:Bộ trưởng cho biết nhận định của mình về những vấn đề đang đặt ra đối với lĩnh vực gép mô, tạng của nước ta hiện nay
Từ thực trạng tình hình hoạt động cấy ghép mô, tạng trên thế giới và Việt Nam, nổi lên các điểm chính sau:
- Trong vài chục năm tới, nhu cầu ghép tạng trên thế giới và ở VN tiếp tục gia tăng nhanh chóng, trong khi nguồn cung tạng luôn khan hiếm dẫn đến sự bùng nổ thị trường buôn bán tạng và sự dịch chuyển số lượng lớn người có nhu cầu ghép tạng sang các quốc gia có sẵn nguồn cung và chi phí thấp. Điều này dẫn đến hệ lụy là xu hướng thương mại hóa hoạt động hiến tặng tạng, đồng thời đặt các quốc gia trước cơ hội và thách thức:
Nếu duy trì hệ thống quản lý, điều phối; hệ thống chính sách, pháp luật như cũ; không cải tiến công tác điều trị để giảm chi phí thì, một mặt không hạn chế được nạn buôn bán tạng, mặt khác để mất một số lượng lớn người có nhu cầu ra nước ngoài và kèm theo nó là một số ngoại tệ không nhỏ. Đồng thời sự phát triển của ngành ghép tạng sẽ bị hạn chế đáng kể do thiếu bệnh nhân và kinh phí.
Nếu tích cực cải tiến công nghệ, kỹ thuật để giảm chi phí điều trị; điều chỉnh chính sách bảo hiểm theo hướng có lợi cho người ghép tạng; điều chỉnh hệ thống pháp luật, đổi mới phương thức làm chính sách; xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động hiến tặng, điều phối, truyền thông để thúc đẩy các hoạt động trợ giúp nhân đạo của cộng đồng, nâng cao nhận thức và sự đồng thuận của xã hội thì sẽ giữ được số lượng người ghép tiềm năng trong nước, đồng thời thu hút các nguồn người ghép tiềm năng từ các quốc gia khác và hạn chế được tình trạng buôn bán tạng. Ngành ghép tạng cũng có cơ hội để phát triển trong điều kiện cạnh tranh quốc tế.
- Tình hình buôn bán mô, tạng trên thế giới có chiều hướng gia tăng phức tạp, đặc biệt là ở các nước nghèo và các nước đang phát triển. Do buôn bán mô, tạng đem lại siêu lợi nhuận nên đã hình thành các tổ chức, đường dây phi pháp trong lĩnh vực này cả ở cấp quốc gia và quốc tế. Nếu sự bùng phát của tình trạng "ghép tạng du lịch" là do sẵn nguồn cung và chi phí ghép thấp ở 1 số quốc gia; thì nghèo đói, thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu thông tin, thiếu sự chia sẻ và trợ giúp của cộng đồng là nguyên nhân chính của tình trạng này. Tăng cường giáo dục, truyền thông để cập nhật pháp luật, thông tin đến với người dân; huy động sự tham gia rộng rãi của xã hội dân sự vào mạng lưới điều phối, truyền thông, các chương trình hỗ trợ nhân đạo cho người nghèo là những giải pháp chủ yếu để khắc phục tình trạng này.
- Với sự phát triển nhanh chóng của y học hiện đại, các loại mô, bộ phận cơ thể người được cấy ghép đang gia tăng nhanh chóng. Chi phí điều trị cho việc cấy ghép ngày càng giảm. Thực tế này một mặt dẫn đến sự gia tăng nhu cầu cấy ghép, mở ra cơ hội phát triển cho lĩnh vực cấy ghép mô, tạng. Nó cũng tạo áp lực lớn cho hệ thống quản lý, điều phối, truyền thông và việc tìm kiếm nguồn tài chính cho hoạt động này, đồng thời cũng đặt các quốc gia trước việc lựa chọn lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược phát triển y tế.
- Xu hướng biến động nguồn cung mô, tạng trên thế giới là sự gia tăng nhanh chóng của số lượng các ca ghép tạng từ người chết não, nhiều quốc gia đã tích cực điều chỉnh luật pháp để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho xu hướng này. Đây là giải pháp được nhiều quốc gia áp dụng để tăng nguồn cung tạng hiện tại và đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Ở VN, tuy Luật về Hiến, ghép mô, tạng đẫ được Quốc hội ban hành từ năm 2006, BYT cũng đã ban hành nhiều văn bản QPPL, quy định chuyên môn về lĩnh vực này,nhưng kết quả thu được còn rất khiêm tốn.
- Ở các nước phát triển, chi phí cho hoạt động cấy ghép tạng chủ yếu do BHYT chi trả. Cơ quan điều phối quốc gia là nơi điều hòa lợi ích giữa các thành viên, ngoài ra các nguồn tài chính từ các quỹ, tổ chức tài trợ nhân đạo cũng dễ tiếp cận. Trong khi ở một số nước đang phát triển như Việt Nam, kinh phí cho việc ghép vẫn chủ yếu do bệnh nhân chi trả. Người dân thiếu thông tin và khó tiếp cận đối với các nguồn tài trợ nhân đạo.Việc điều hòa lợi ích giữa các bệnh viện cấy ghép, người bệnh, người hiến, BHYT và các tổ chức liên quan chưa được xem xét thấu đáo. Điều này đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh chính sách chi trả BHYT theo hướng BH chi trả chi phí ghép tất cả các loại mô, tạng và tính đủ giá trị các yếu tố cấu thành vào định mức chi trả BH để đảm bảo lợi ích của bệnh nhân và cơ sở điều trị. Đồng thời cũng phải dần điều chỉnh địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của TTĐPQG để cơ quan này thực sự trở thành trung tâm điều hòa lợi ích giữa các thành viên trong mạng lưới cấy ghép mô, tạng quốc gia.
- Sự phát triển nhanh chóng của các mạng lưới điều phối hiến tặng, cấy ghép tạng ở các quốc gia
Trong vài thập kỷ qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã tích cực xây dựng mạng lưới điều phối quốc gia về hiến, ghép tạng và gia nhập GODT. Có thể khái quát các xu hướng tổ chức mạng lưới điều phối quốc gia của các nước thành các nhóm sau:
Xây dựng mạng lưới quốc gia trên cơ sở hợp nhất các thành viên với trung tâm điều hành là cơ quan điều phối quốc gia. Cơ quan này tồn tại như một tổ chức xã hội dân sự, do chính phủ cấp phép thành lập, đặt dưới sự giám sát của bộ y tế, làm việc theo hợp đồng, cam kết với chính phủ. Cơ cấu tổ chức, nhân lực và nguồn tài chính có mức độ xã hội hóa cao, liên kết quốc tế rộng rãi. Phần lớn các quốc gia phát triển tổ chức hệ thống điều phối của mình theo xu hướng này. Điển hình là Mỹ và nhiều nước Châu Âu, đây cũng là mô hình rất thành công và là hình mẫu cho nhiều nước đi sau học tập.Một dạng khác của mô hình này là không thành lập một một mạng lưới quốc gia duy nhất mà sử dụng mạng lưới lấy tạng xuyên quốc gia, kết hợp với các mạng độc lập trong nước.Các mạng lưới này hoạt động với tư cách là các tổ chức phi chính phủ. Một số nước Châu Âu sử dụng mô hình này như: Đức, Áo và Slovenia (mạng Eurotransplant); Anh và Ireland (mạng: UK Translant); Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển (mạng: Scandinatransplant). Một số nước khác tổ chức mạng quốc gia liên kết với các mạng xuyên quốc gia như Pháp, Tây Ban Nha.
Một xu hướng khác là cũng xây dựng mạng lưới điều phối quốc gia trên cơ sở hợp nhất các thành viên, với trung tâm điều hành là cơ quan điều phối quốc gia. Nhưng cơ quan này do chính phủ thành lập, đặt dưới sự quản lý của bộ y tế. Đồng thời thực hiện xã hội hóa rộng rãi mạng lưới trên cả 3 bình diện: Cơ cấu tổ chức, nhân lực và nguồn tài chính. Điển hình cho xu hướng này là các quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản...Đây là mô hình được cho là thích ứng với các quốc gia Châu Á có xã hội dân sự cởi mở và năng động.
Xu hướng thứ 3 là hệ thống điều phối quốc gia do chính phủ thành lập, tổ chức và vận hành theo các theo các chương trình của chính phủ. Cơ cấu tổ chức, nhân lực và nguồn tài chính lệ thuộc chủ yếu vào nhà nước. Những quốc gia tổ chức theo mô hình này như: Trung Quốc, Iran...Đây là những mô hình có mức độ thành công thấp, đặc biệt là trong điều kiện NN gặp khó khăn về chi tiêu công.
- Ngoài ra, việc hình thành các tổ chức độc lập, các tổ chức khu vực và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực hiến, ghép tạng cũng là một xu hướng phát triển mạnh mẽ hiện nay. Hầu hết các nước đều là thành viên của các tổ chức khu vực và của GODT. Điều này mang lại lợi thế cho các quốc gia trong việc mở rộng phạm vi hoạt động của mạng lưới, trao đổi thông tin, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật hiện đại; hiện đại hóa hệ thống quản trị, truyền thông theo những chuẩn mực quốc tế và chống buôn bán mô, bộ phận cơ thể người trên phạm vi toàn cầu.
- Với lịch sử hơn 20 năm phát triển, ngành ghép tạng ở Việt Nam đã có những bước tiến dài về mặt công nghệ, đạt trình độ tương đương với thế giới. Tuy nhiên, về chính sách, tổ chức, quản lý và truyền thông thì chưa theo kịp yêu cầu. Nguồn cung mô, tạng thiếu trầm trọng.Bộ máy, nguồn nhân lực của cơ quan điều phối mới hình thành, còn thiếu kinh nghiệm, chưa đủ số lượng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Một khó khăn nữa là chi phí cho việc cấy ghép mô tạng và chăm sóc sau ghép là rất cao so với thu nhập của phần lớn người dân nước ta. Để tăng số lượng người được điều trị bằng phương pháp ghép tạng thì bên cạnh việc phát triển công nghệ, kỹ thuật, giảm chi phí điều trị; cần phải có sự điều chỉnh chính sách bảo hiểm y tế, thúc đẩy các hoạt động trợ giúp nhân đạo thông qua các hội, đoàn của xã hội dân sự bằng việc đẩy mạnh truyền thông và xã hội hóa. Song song với nó là việc xây dựng và phát triển mạng lưới cấy ghép, cơ quan điều phối quốc gia theo theo xu hướng chung của thế giới, đồng thời đảm bảo tính tương thích của nó với thực tiễn Việt Nam.
PV: Cảm ơn BT và xin hỏi bà một câu riêng tư, bà đã đăng ký hiến tạng chưa và bà suy nghĩ gì về việc này?
Không có gì phải bí mật cả, cá nhân tôi đã đăng ký hiến tặng tất cả các mô, tạng sau khi chết, chết não từ năm 2013, gia đình cũng rất ủng hộ việc làm của tôi. Tôi nghĩ đây là một việc tốt, có thể giúp ích cho những người bệnh và cho khoa học, cho các đồng nghiệp của mình trong việc chữa bệnh cứu người. Cái cảm giác trái tim của mình vẫn tiếp tục đập thình thịch trong lồng ngực của một ai đó và có người được nhìn thấy bầu trời bằng đôi mắt của mình sẽ là niềm hạnh phúc lớn lao nhất và là một cách để tôi tiếp tục sống nếu một mai không may qua đời.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy mỗi năm cả nước có hơn 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Chỉ riêng tại BV Chợ Rẫy, mỗi năm có khoảng 1.000-1.500 bệnh nhân chết não vì chấn thương sọ não. Tại BV Việt Đức (Hà Nội), con số này cũng xấp xỉ 1.000… Đây có thể nói là nguồn mô, tạng cứu sinh cho nhiều người chờ ánh sang và chờ chết. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, trong đó có cả những vấn đề về nhận thức, quan niệm tâm linh, nhiều trường hợp chết não đã không được gia đình đồng ý hiến tặng. Thách thức này khiến ngành y tế chưa thể thực hiện được nhiều ca ghép tạng như mong muốn. Đây là một sự lãng phí rất lớn xét trên nhiều khía cạnh từ sức khỏe con người, kinh tế, khoa học cho đến giá trị xã hội… |