Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội, Thủ tướng đã đề cập một cách cô đọng, khái quát để thấy được những kết quả đã đạt được cũng như các giải pháp để phát triển KT-XH trong thời gian tới nhằm hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Đối với lĩnh vực VHTT&DL, báo cáo của Chính phủ đã nêu rõ, các lĩnh vực này đạt nhiều kết quả cụ thể, rõ nét. Văn hoá đã có bước phát triển về mặt nhận thức và hành động, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn hiện diện ở mọi lĩnh vực, là động lực phát triển bền vững đất nước và giữ vai trò điều tiết sự phát triển của xã hội. Văn hóa hiện diện trong kinh tế cũng như kinh tế có trong văn hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua Đảng, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực văn hoá. Có thể nói chưa bao giờ văn hoá nhận được nhiều sự quan tâm như hiện nay. Từ sự quan tâm đó, lĩnh vực văn hoá đang ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển KT-XH, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc theo tinh thần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Điểm qua nhiều hoạt động văn hoá lớn đã được tổ chức rộng khắp, có sức lan toả những điều tốt đẹp, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hoá của dân tộc đồng thời nâng cao nhu cầu hưởng thụ của nhân dân về văn hoá, Bộ trưởng cho biết, những thành quả có được không chỉ là nỗ lực riêng của ngành văn hoá mà còn là kết quả chung của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, điểm sáng đáng mừng trong lĩnh vực văn hoá thời gian qua đó là việc xây dựng môi trường văn hoá ở cơ sở đang ngày càng khởi sắc, đời sống văn hoá ở khu dân cư đang ngày càng chú trọng, đã góp phần bồi đắp tâm hồn, nuôi dưỡng nhân cách cho người dân ở khắp mọi vùng, miền của Tổ quốc.
Đã có nhiều làng quê đáng sống, nâng cao được nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Bộ trưởng cũng nêu những dẫn chứng cụ thể về các địa phương đã làm tốt việc xây dựng môi trường văn hoá cơ sở như Kon Tum hay như vừa qua lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên càng đã cho thấy rõ hơn sức mạnh của môi trường văn hoá.
Theo Bộ trưởng Hùng, điểm mới trong báo cáo của Chính phủ là đã đề cập đến việc đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Đây là lĩnh vực đầy tiềm năng và nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ. Lần đầu tiên Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Trước đó Chính phủ đã giao Bộ VHTT&DL và các bộ, ngành, địa phương xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá.
Về giải pháp để phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng "phải đi tắt, đón đầu" và dựa trên 3 nhà. Đó là nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành cơ chế chính sách; nhà đầu tư tham gia bằng việc sử dụng tài nguyên văn hoá để thu hút đầu tư, phát triển thị trường, tạo ra lợi nhuận, làm rõ hơn giá trị của văn hoá trong kinh tế. Và nhà thứ 3 là đội ngũ văn nghệ sĩ đóng vai trò sáng tạo.
"Trong báo cáo của Chính phủ, bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được của lĩnh vực văn hoá, cũng đã chỉ rõ những điều còn băn khoăn, trăn trở", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói và cho biết, đó cũng là những băn khoăn, trăn trở của Bộ VHTT&DL.
Tuy nhiên VHTT&DL là lĩnh vực liên quan đến nhiều bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương nên chỉ một mình nỗ lực của ngành văn hoá là chưa đủ. Bộ trưởng mong muốn lĩnh vực văn hoá, tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cũng như sự đồng hành của toàn xã hội để văn hoá thực sự phát triển, phát huy được vai trò, sức mạnh mềm trong sự phát triển chung của đất nước.