Hà Nội

Bộ trưởng Bộ VHTTDL: Nguồn lực đầu tư cho văn hóa mang tính dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm

22-12-2023 15:50 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, nguồn lực đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng…

Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sáng 22/12, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là Hội nghị đầu tiên về công nghiệp văn hóa có quy mô toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ gợi mở, giao nhiệm vụ cho Bộ VHTTDL với lời căn dặn "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, có mỏ vàng đừng để bị lãng quên".

Hệ thống lại các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển công nghiệp văn hoá, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành năm 2016 xác định các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm 12 lĩnh vực. Trong đó, Bộ VHTTDL được giao quản lý trực tiếp 5/12 ngành (gồm: quảng cáo; điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; du lịch văn hóa).

Bộ trưởng Bộ VHTTDL: Nguồn lực đầu tư cho văn hóa mang tính dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm- Ảnh 1.

Để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiến lược xác định mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm mới.

Nhìn lại chặng đường 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Bộ trưởng cho biết, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Bộ trưởng thông tin, năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP. Sau 3 năm triển khai Chiến lược, năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP. Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD).

Bộ trưởng Bộ VHTTDL: Nguồn lực đầu tư cho văn hóa mang tính dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo về thực tế phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Chỉ tính riêng năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm.

"So sánh số liệu thống kê sau 7 năm của chúng ta với tình hình chung trong khu vực và trên thế giới, có thể thấy, Việt Nam đang là quốc gia trung bình về phát triển công nghiệp văn hóa và còn nhiều dư địa phát triển", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trên tinh thần cầu thị, nhìn thẳng vào thực tế, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều bất cập và thách thức.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL: Nguồn lực đầu tư cho văn hóa mang tính dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm- Ảnh 3.

Ảnh: Nhật Bắc.

Cụ thể, hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật (luật, nghị định) quy định thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hoá. Đồng thời, còn thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện trên cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa…

Từ những phân tích nêu trên, tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất một số mục tiêu trọng tâm để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng. Trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển KT-XH của cả nước…

Thủ tướng: Cần chuyển biến từ nhận thức tới hành động để phát triển các ngành công nghiệp văn hóaThủ tướng: Cần chuyển biến từ nhận thức tới hành động để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

SKĐS - Sáng nay (22/12), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn