Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng năng lực một số cán bộ còn nhiều yếu kém
Buổi chiều 13/6, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã trả lời nội dung chất vấn của các ĐBQH quan tâm như: Vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội; Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội; Công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch, năng lực công tác của cán bộ ngành…
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Thiện cũng thừa nhận năng lực chỉ đạo điều hành, thực thi nhiệm vụ của một số cán bộ của ngành còn yếu kém nhất là thời gian qua, công tác thẩm định và cấp phép các hoạt động văn hoá, nghệ thuật… trong lĩnh vực này vẫn còn những bất cập, lúng túng. Đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác quản lý, điều hành, thực thi pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, tư duy nhận thức về quản lý lĩnh vực này còn theo lối cũ, chưa bắt kịp với xu thế hiện nay.
Cách thức, phương pháp thực hiện công tác quản lý lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nặng về quản lý đầu vào mà chưa chú trọng hướng đến phương pháp quản lý tăng cường kiến tạo, hậu kiểm (kiểm tra, giám sát) cho phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được chú trọng dẫn đến nhiều cơ quan quản lý, cán bộ, công chức, các tổ chức, cá nhân không kịp thời nắm bắt để triển khai thực hiện.
Nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý và cấp phép đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch, di tích, lễ hội… trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của Bộ. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ và các đơn vị theo quy định. Bên cạnh việc đào tạo nâng cao năng lực thực thị nhiệm vụ của cán bộ làm công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bộ tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh để sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với tình hình phát triển KT-XH, hợp tác và hội nhập của đất nước...