Nhiều giải pháp chống tin giả, tin xấu độc trên MXH
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông sáng 12/11, ĐBQH Nguyễn Duy Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng về việc Bộ có phương án nào để quản lý mạng xã hội (MXH) chống tin giả, tin sai sự thật.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà mang tính toàn cầu. Bàn về một số giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đầu tiên là vấn đề hoàn thiện thể chế.
"Trước đây, chúng ta mới quy định xử lý cá nhân sử dụng MXH khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả. Mới đây, chúng ta đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng MXH khi vi phạm luật pháp Việt Nam. Chúng ta cho rằng đây là trách nhiệm của quản lý nhà nước, nhưng thật ra trách nhiệm lớn là đối với các nền tảng xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.
Do đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, họ phải có trách nhiệm rà quét, tự động gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc.
Bên cạnh đó, chúng ta đang sống trong không gian mới là không gian số trong khoảng 10 năm trở lại đây nên vấn đề truyền thông để mọi người có kỹ năng số, biết sử dụng các nền tảng số, có khả năng đề kháng cho không gian số, đào tạo cho cả thế hệ tương lai (học sinh, sinh viên) là rất cần thiết.
Bộ đang tập trung vào 3 nhóm nội dung, trong đó, có việc khi người dân bị ảnh hưởng tin sai, xấu độc có nơi để phản ánh, giúp đỡ; Đưa vào vận hành trung tâm tin giả quốc gia và gần đây các địa phương hình thành trung tâm chống tin giả, sai sự thật ở địa phương.
ĐBQH lo lắng trước tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân
Còn ĐBQH Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh chất vấn, hiện nay tình trạng quảng cáo trực tuyến thường dựa vào những dữ liệu người dùng, đôi khi vi phạm quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân. Điều này gây ra lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng khi sử dụng các dịch vụ hoặc truy cập vào các trang web.
Theo thống kê cho thấy, số lượng thông tin cá nhân, quyền riêng tư của người dùng bị đánh cắp trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2023, gây bức xúc cho xã hội. Đại biểu yêu cầu, với vai trò là người đứng đầu ngành TT&TT, Bộ trưởng làm rõ các giải pháp để chủ động phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng nêu trên?
Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, có tình trạng nhà nhà thu thập thông tin cá nhân, mà không biết rằng thu thập thông tin cần xin phép, khi thu thập thông tin phải có hệ thống an toàn để bảo vệ thông tin không bị tấn công…
Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc phổ biến Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng, trách nhiệm của người thu thập thông tin bảo vệ dữ liệu, sử dụng đúng quy định của pháp luật… là câu chuyện lớn.
Năm 2023, 2024 Bộ TT&TT coi đây là việc trọng điểm và tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị dễ để xảy ra lộ lọt thông tin cá nhân. Bộ đã công bố những sai sót của các doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, để nhắc nhở các doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Tiếp tục chất vấn liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm rõ trách nhiệm về những tồn tại của hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, không gian mạng không khác gì không gian thực. Nếu không gian thực có bộ, ngành, địa phương, thì không gian mạng cũng có bộ, ngành, địa phương…
"Chỉ khi nào việc của nhà nào nhà đó thực hiện; ai làm gì trong thế giới thực thì lên đó thực hiện công tác quản lý ở không gian mạng, như vậy không gian mạng mới lành mạnh được", Bộ trưởng nhấn mạnh.