Ngày 28/4, đoàn công tác của Bộ TN&MT do ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng dẫn đầu đã trực tiếp về vùng biển Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lấy mẫu nước và mẫu trầm tích để tìm nguyên nhân dẫn tới cá chết hàng loạt vừa qua.
Cùng đi có lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, đại diện Công ty Formosa và đại diện một số cơ quan báo chí truyền thông.
Sau gần 1 tiếng đồng hồ đi bằng tàu, đoàn công tác đã tới vị trí ống xả thải của Công ty Formosa. Tại đây đoàn đã tiến hành lấy mẫu nước ở tầng mặt nước và tầng đáy, đồng thời lấy mẫu trầm tích để truy tìm nguyên nhân dẫn tới hiện tượng cá chết hàng loạt vừa qua.
Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết: “Trước đây các Bộ, ngành cũng đã lấy mẫu nước và mẫu trầm tích để xác định nguyên nhân. Bây giờ tiếp tục lấy các mẫu để so sánh, đối chiếu. Lấy mẫu trầm tích là để kiểm tra xem có thành phần kim loại nặng hay không”.
Tiếp sau đó, đoàn của Bộ cũng đã kiểm tra tại hệ thống xử lý nước thải, quan trắc môi trường và Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng.
Sau buổi kiểm tra, trao đổi với báo chí, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã chia sẻ cùng toàn thể bà con nông dân 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, hiện nay đang chịu ảnh hưởng rất lớn đến đời sống bởi thảm họa này.
“Hiện Bộ TN&MT, các Bộ ngành liên quan và các nhà khoa học đang tích cực xác định chính xác nguyên nhân trên cơ sở khoa học để có biện pháp hướng xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, cũng như giải quyết trước mắt và lâu dài. Chúng tôi mong bà con tiếp tục tin tưởng các cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ tuyệt đối bằng hết sức trách nhiệm của mình để xác định chính xác nguyên nhân. Với tinh thần công tâm, khoa học hết sức trách nhiệm với nhân dân và Đất nước.
Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết một số vấn đề liên quan đến cá chết hàng loạt ở miền Trung
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận những sai sót, hạn chế, đồng thời nhận trách nhiệm trước sự việc này.
“Đây là sự cố, một thảm họa môi trường rất lớn, hết sức nghiêm trọng lần đầu xảy ra ở Việt Nam. Các Bộ ngành cơ quan mặc dù có những sự nỗ lực nhưng việc điều phối, triển khai sự cố, thảm họa lớn thế này là chưa có kinh nghiệm, lúng túng, việc xử lý còn chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của bà con cũng như công luận. Với tư cách là Bộ trưởng tôi xin nhận khuyết điểm trước sự việc này”, Bộ trưởng nói.
“Thời gian tới, đánh giá việc cá chết có ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân hay không thì các Bộ ngành sẽ tiếp tục tìm hiểu, kiểm tra xử lý các mẫu vật. Sau khi có kết luận cuối cùng thì Bộ sẽ có những hướng dẫn cụ thể về vấn để tiếp tục đánh bắt, tiêu dùng các loại hải sản”.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh: “Qua kiểm tra, chúng tôi thấy chưa phát hiện được một bằng chứng gì về mối quan hệ giữa nước thải, chất thải với thảm họa về môi trường nhưng về gián tiếp thì có những vấn đề liên quan”.
Cũng theo Bộ trưởng cho biết, hiện nay cho thấy thành phần chất lượng môi trường xung quanh ở biển chưa có phát hiện ra các thông số mà không đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.
“Tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các UBND, Sở TN&MT thường xuyên kiểm tra, quan trắc nước biển và để có những công bố và cảnh báo để làm sao bà con trong thời gian nghỉ lễ có thể tham gia các dịch vụ du lịch cũng như là tắm biển một cách bình thường”, Bộ trưởng cho biết.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các nhà khoa học và đặc biệt sẽ làm việc với các cơ sở sản xuất có liên quan các nguồn thải chính để làm sao có thể minh bạch công khai thường xuyên giám sát được các nguồn thải, chất thải.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh: “Qua kiểm tra, chúng tôi thấy chưa phát hiện được một bằng chứng gì về mối quan hệ giữa nước thải, chất thải với thảm họa về môi trường nhưng về gián tiếp thì có những vấn đề liên quan”.
“Hiện nay công nghệ có thể cho phép chúng ta lắp camera trực tuyến để theo dõi toàn bộ các hoạt động về khu vực giám sát xả thải, đồng thời có thể đặt một số thiết bị tự động, để nếu khi cần Sở TN&MT có thể tự động để lấy các mẫu nước thải, chất thải”, Bộ trưởng yêu cầu có sự phối hợp chặt chẽ giữa Formosa và các ngành chức năng.
Cũng chia sẻ với Dân trí, Phó GSTS Võ Sỹ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, cho biết, qua nhận định ban đầu về mặt khoa học thì, nếu theo kết quả khảo sát thì rất khó để tìm ra nguyên nhân vì các sự cố, sự việc đã qua rồi, vì các sự cố bất thường vì nó chỉ xảy ra rất ngắn.
“Vấn đề bây giờ là nó tích lũy ở đâu cho nên tại sao mình phải lấy mẫu trầm tích xem nó có tích lũy ở đó hay không. Còn khi sự việc xả ra thì mình phải đặt ra các giả thiết rồi sau đó loại trừ. Ở đây theo các thông tin từ Tổng cục Môi trường cung cấp thì đây là vùng có nguồn cung cấp dinh dưỡng khá lớn điều này có thể gây ảnh hưởng đến môi trường”, Phó GSTS Võ Sỹ Tuấn cho biết.
Nhóm PV