Hà Nội

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Đang tính toán gói kích thích kinh tế mới

29-10-2021 13:17 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đang đề xuất một số chính sách tài khoá cũng như gói kích cầu ví dụ như hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp để có thể trích từ 10.000 - 20.000 tỷ đồng trong một số ngành nghề nhất định và công trình trọng điểm.

Nhiều phương án trình các cấp

Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội về gói kích thích kinh tế mới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, xác định bội chi thực hiện theo nguyên tắc trong giai đoạn 5 năm tới là 3,7%.

Bộ trưởng cho biết, trong giai đoạn hiện nay cần đưa ra gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên phải chấp nhận bội chi tăng lên. Còn sau đó khi nền kinh tế đi vào ổn định, phát triển thì giảm tỉ lệ bội chi.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Đang tính toán gói kích thích kinh tế mới - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội.

Chia sẻ về gói kích thích kinh tế mới, ông Phớc cho rằng Bộ Tài chính đang đề xuất một số chính sách tài khoá cũng như gói kích cầu ví dụ như hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp để có thể trích từ 10.000 - 20.000 tỷ đồng trong một số ngành nghề nhất định và công trình trọng điểm. Thứ hai là phát hành công trái, trái phiếu ngoại tệ trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian tới sẽ tập trung tăng thu thuế trên các nền tảng số mà hiện nay còn dư địa như: bán hàng online, các nền tảng xuyên biên giới… Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá trốn thuế. Thực hiện thắt chặt chi tiêu, như giảm 10% chi thường xuyên, tiết kiệm 5% chi công tác phí, hội nghị….

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu quan điểm: "Tổng các gói đang thiết kế nên chưa số lượng cụ thể, cơ quan tham mưu đưa ra nhiều phương án để trình".

Cần bổ sung ngay gói hỗ trợ lớn hơn, bao phủ hơn

Cũng chia sẻ về các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, ĐBQH Vũ Tiến Lộc – đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho biết, chúng ta cần bổ sung ngay một gói hỗ trợ mới có quy mô lớn hơn, phạm vi bao phủ rộng hơn nhằm vào cả 2 mục tiêu: Giải cứu hỗ trợ các doanh nghiệp, cũng như kích thích các động lực tăng trưởng mới, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Quốc hội và Chính phủ cần đề ngay ra một kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế cho 5 năm và tầm nhìn 10 năm, đặc biệt là chương trình phục hồi nên kinh tế trong 2 năm tới. Trên cơ sở đó đưa ra những định hướng, chủ trương, chính sách cho giai đoạn phục hồi này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Đang tính toán gói kích thích kinh tế mới - Ảnh 2.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc – đoàn ĐBQH TP. Hà Nội.

Bên cạnh các gói hỗ trợ tài khoá, tiền tệ, an sinh xã hội, theo ông Lộc cũng cần cải thể chế, thủ tục hành chính cần được thúc đẩy và đây là rất quan trọng.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc đề xuất: "Giai đoạn phục hồi kinh tế trong 2 năm tới cần cần có cơ chế đặc thù về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Quốc hội đang bàn về cơ chế đặc thù cho các địa phương, bây giờ là lúc chúng ta cũng nên cân nhắc việc bàn 1 cơ chế đặc thù cho giai đoạn phục hồi nền kinh tế trong 2 năm tới với các thủ tục hành chính đơn giản nhất".

Nhiều chính sách thu, chi ngân sách Nhà nước

Tại Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 Chính phủ trình Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết, để ứng phó với dịch COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhiều chính sách về thu, chi NSNN.

Về chính sách về thu NSNN, Bộ Tài chính cho biết đến ngày 15/10/2021, số tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí được miễn giảm, gia hạn đạt khoảng 95,1 nghìn tỷ đồng, cho khoảng 120 nghìn doanh nghiệp và gần 20 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh.

Về chính sách chi NSNN, với việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, theo Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ cho khoảng 14,95 triệu người lao động, với nhu cầu thực hiện chính sách ước tính khoảng 26,2 nghìn tỷ đồng, trong đó: chi từ NSNN khoảng 2,15 nghìn tỷ đồng; nguồn tái cấp vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng; 3 Quỹ Bảo hiểm 16,6 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, đến đầu tháng 10/2021, NSNN đã chi hỗ trợ cho người dân theo các chính sách đã ban hành trên 13,6 nghìn tỷ đồng, các quỹ bảo hiểm cũng đã chi trả cho các đối tượng khoảng 5 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, quá trình phục hồi và tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 được dự báo thấp hơn năm 2021; trong đó, các nước mới nổi, đang phát triển khả năng tăng trưởng cao hơn phụ thuộc vào tỷ lệ tiêm chủng và mô hình thích ứng an toàn với dịch COVID-19 áp dụng tại các quốc gia.

Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội phụ thuộc lớn vào việc hoàn thành bao phủ vaccine, kiểm soát được dịch bệnh để mở cửa trở lại nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Mộc Trà
Ý kiến của bạn