Bộ trưởng Bộ Nội vụ: ‘Số lượng công chức, viên chức nghỉ việc so với tổng biên chế là không lớn’

27-10-2022 19:16 | Thời sự

SKĐS - Trước nhiều ý kiến của các ĐBQH nêu lên tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc trong thời gian qua, chiều 27/10 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình.

Địa phương nào có số lượng công, viên chức nghỉ việc nhiều nhất?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo số liệu tổng hợp của UBND 63 tỉnh thành và tất cả các bộ, ngành trung ương trong thời gian từ 1/1/2020 đến 30/6/2022 tổng số công chức, viên chức thôi việc là 39.550 bằng 1,94% tổng biên chế…

8 địa phương có số công chức, viên chức nghỉ việc nhiều nhất là: TP. Hồ Chí Minh: 6.177 người; Đồng Nai, TP. Hà Nội là hơn 2000 người; các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ trong khoảng từ 800 đến 900 người. Nếu tính theo lĩnh vực thì sự nghiệp giáo dục là 16.424 người bằng 41,53%, sự nghiệp y tế là 12.198 người, bằng 30,84%.

Bộ Nội vụ giải thích gì về tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc nhiều? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình.

Bà Phạm Thị Thanh Trà cho hay, số lượng công chức, viên chức nghỉ việc so với tổng biên chế là không lớn (1,94%). Tuy nhiên, tập trung chủ yếu viên chức trọng điểm ở 2 lĩnh vực giáo dục, y tế; Số nghỉ việc, thôi việc đa số trong độ tuổi trẻ từ 40 tuổi trở xuống và có trình độ đại học chiếm trên 50%.

Theo người đứng đầu Bộ Nội vụ, tình trạng công chức, viên chức thôi việc cũng là một thực trạng chung của nhiều nước trên thế giới. Qua nghiên cứu, có thể nói cán bộ, công chức nghỉ việc rất cao trong hơn 2 năm diễn ra dịch bệnh, trong đó có Anh năm 2021-2022 là 9,2% trên tổng số công chức; ở Singapore là một đất nước có nền công vụ rất tiên tiến, hiện đại và chuyên nghiệp thì số công chức nghỉ việc ở khu vực công là 9,9%; ở Pháp là 6,1%; Úc là 4,62%; Hoa Kỳ là 3,1%...

Nguyên nhân và giải pháp để xử lý tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc

Về nguyên nhân khách quan, người đứng đầu Bộ Nội vụ cho rằng, công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư là yếu tố khách quan trên cơ sở điều tiết của thị trường lao động, theo quy luật tất yếu của kinh tế thị trường; Dịch vụ y tế, giáo dục ngoài công lập phát triển khá mạnh ở khu đô thị, tạo cơ hội cho người lao động ra vào trong khu vực công và khu vực tư thường xuyên theo quy luật cung cầu lao động và yêu cầu xu thế của tự chủ xã hội hóa khu vực sự nghiệp công.

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 đã tác động sâu rộng trên mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nói chung và người lao động nói riêng, làm thay đổi lớn loại hình công việc, phương thức làm việc và kể cả nhận thức về việc làm và cuộc sống. Khu vực tư nhân sau đại dịch tiếp tục được củng cố và phát triển.

Bộ Nội vụ giải thích gì về tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc nhiều? - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 27/10.

Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ ra các nguyên nhân gồm: Tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức còn thấp hơn; Áp lực công việc đối với công chức, viên chức ngày càng cao, nhất là viên chức y tế làm việc trong bối cảnh khó khăn, nguy hiểm của đại dịch COVID-19 bùng phát; Môi trường làm việc ở một số nơi có thể nói chưa tạo được động lực, cơ hội phát huy tốt năng lực sở trường.

Ngoài ra, việc quản trị trong khu vực công chưa có những thay đổi lớn, cơ bản vẫn theo lối quen, lề lối cũ; Nhiều cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Từ những nguyên nhân trên, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cần có giải pháp đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ gồm: thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; tiếp tục phải có hệ thống thể chế để cải cách lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; Phải xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý thực sự có phẩm chất, năng lực, uy tín, gương mẫu, tạo niềm tin cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc…

Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Nhiều bệnh viện thành 'con nợ' vì bị chậm thanh toán chi phí khám chữa bệnh, gây khó khăn cho mua sắm, đấu thầuBộ trưởng Đào Hồng Lan: Nhiều bệnh viện thành "con nợ" vì bị chậm thanh toán chi phí khám chữa bệnh, gây khó khăn cho mua sắm, đấu thầu

SKĐS - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, nhiều cơ sở y tế bị nợ đọng do thanh toán theo tổng mức: "Không được thanh toán là một trong những nguyên nhân khiến các bệnh viện gặp khó khăn trong mua sắm, đấu thầu".


Lê Bảo
Ý kiến của bạn