Theo đói, trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội về "Giải pháp khắc phục tình trạng được mùa mất giá, thậm chí mất cả mùa mất cả giá, mất giá kéo dài", Bộ trưởng Cường cho hay, năm nay là năm khó khăn nhất nhưng trên các trục sản phẩm lớn của chúng ta đều tổ chức liên kết đáp ứng được chuỗi từ sản xuất, bảo quản, chế biến và phát triển thị trường. Chúng ta sẽ hoàn thành được mục tiêu cao nhất từ trước đến nay, nhất là 10 sản phẩm trụ cột từ 1 tỷ USD trở lên. Còn những ngành hàng nhỏ, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện các chuỗi giá trị. Ví dụ như Bắc Giang, gà đồi Yên Thế bán rất tốt, ở Sơn La quả xoài xuất khẩu ra quốc tế rất tốt, Bộ trưởng dẫn chứng.
Cũng theo Bộ trưởng Cường, thời gian qua chúng ta đã có những chuyển biến tích cực trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; tới đây cần tiếp tục rà soát phát huy lợi thế của địa phương, tổ chức liên kết sản xuất tuân thủ theo quy luật thị trường, đặc biệt cần tập trung vào khâu chế biến, nhất là chế biến sâu và tổ chức thị trường; tiến hành rà soát lại các vùng sản xuất để giảm diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả hoặc mất cân đối dẫn đến thừa nguồn cung, chuyển sang các loại cây trồng khác đem lại hiệu quả cao hơn...
Ông ví dụ, ở Tây Nguyên có 5 triệu ha đất, có 5 cây công nghiệp chủ lực, nhưng giai đoạn trước kia phát triển quá nóng. Riêng Việt Nam, sản lượng hồ tiêu đã là 350.000 tấn, chiếm đến 60% sản lượng của thế giới, như vậy là quá thừa.
Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung các giải pháp để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; tổng rà soát lại, phát huy các ngành lợi thế của địa phương; đặc biệt việc tổ chức liên kết sản xuất phải tuân thủ theo quy luật thị trường; tập trung vào khâu chế biến, nhất là chế biến sâu và tổ chức thương mại; giảm diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả hoặc mất cân đối dẫn đến thừa nguồn cung, chuyển sang các loại cây trồng khác đem lại hiệu quả cao hơn...
Liên quan đến thực trạng phát triển nông nghiệp gắn với việc tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vẫn còn hạn chế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, để khuyến khích phát triển nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/TTg để thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào phát triển sản xuất.
Nhờ vậy, trong 3 năm qua, đã có hơn 3.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đến nay, đã có 11.800 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp, cộng với 48.000 doanh nghiệp đầu tư gián tiếp. Đây là thành công lớn của Chính phủ. Đặc biệt, hàng loạt tập đoàn thương mại lớn trong cả nước đã tập trung hướng đầu tư vào nông nghiệp gắn với việc tạo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, con số trên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của xã hội, nhất là thị trường 90 triệu dân.
Quốc hội dành trọn 3 ngày để chất vấn Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.
Về giải pháp để đảm bảo hạn chế tình trạng giá lúa bấp bênh, khiến bà con nông dân không mặn mà với sản xuất canh tác lúa, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về vấn đề bảo vệ giá lúa theo hướng: Tập trung ưu tiên giống lúa sản xuất đại trà và nâng giá trị chuỗi giá trị hạt gạo.
Tập trung giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường sống ở nông thôn
Vấn đề phát triển nông thôn mới đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Theo Bộ trưởng Cường, sau 10 năm phát triển nông thôn mới, cả nước đã đạt nhiều tựu nổi bật, thu hút được 2,4 triệu tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp, điện nước phủ sóng gân 90% các vùng nông thôn... Tuy nhiên, nông thôn lại đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường sống, môi trường tự nhiên nghiêm trọng, dẫn đến việc số đông bà con không mặn mà với ruộng đất, bỏ đất canh tác. Vì vậy, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung giải quyết vấn đề này.
Tiếp tục đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Về giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh vai trò hạt nhân trong liên kết sản xuất lớn. Theo đó, trong 3 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp đã tăng 3 lần, từ hơn 3000 lên hơn 11.000 doanh nghiệp, trải đều khắp các vùng miền và các lĩnh vực từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản; trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào lĩnh vực này để nâng giá trị sản xuất nông nghiệp,... Tuy nhiên con số này vẫn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, Bộ sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.
Về khai thác hải sản, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện nay chúng ta có khoảng 96.000 phương tiện đánh bắt cá, trong đó có hơn 12.000 tàu công suất lớn. Tất cả tàu có công suất lớn đã được trang bị các thiết bị đánh bắt, bảo quản hiện đại. Tuy nhiên, phương tiện dưới 15 m vẫn còn lạc hậu, chưa đáp ứng nên hiệu quả chưa cao. Do đó, chúng ta cần có lộ trình trình để tường bước nâng cao hiệu quả đội tàu khai thác cá.
Coi việc đầu tư bền vững cho ứng phó khí hậu là nhóm được ưu tiên nhất
Liên quan đến nguy cơ biến đổi khí hậu có thể xóa sổ mọi nỗ lực xây dựng nông thôn mới, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của hiện tượng này. 3 năm gần đây, thiệt hại với khu vực miền núi do sạt lở, lũ ống, lũ quét đang gây ra những thiệt hại nặng nề. Do đó, đang cố gắng chuẩn bị các phương án ứng phó, dự báo tốt hơn. Tới đây, chúng ta phải coi việc đầu tư bền vững cho ứng phó khí hậu là nhóm được ưu tiên nhất.
Dự kiến, trong cả sáng nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường sẽ làm rõ những vấn đề liên quan đến chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản. Công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, xử lý tồn tại, vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.
Trong quá trình Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn, các Bộ trưởng, Trưởng ngành: Công thương, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Lao động – Thương binh và Xã hội; Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Theo chương trình chất vấn, đầu giờ chiều, (từ 14 giờ đến 14 giờ 15', Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề liên quan;... Tiếp đó, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp tục trả lời chất vấn và giải trình làm rõ thêm một số nội dung đại biểu quan tâm và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất.
Từ 15 giờ đến 17 giờ, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ hai. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn; các Bộ trưởng, Trưởng ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công an, Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.