Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH lý giải thế nào về hơn nửa triệu người mất việc, giãn việc, thiếu việc làm?

06-06-2023 10:15 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng nay (6/6), Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn các ĐBQH.

Nghị trường 'nóng' vấn đề về lao động, việc làm

Tại phiên chất vấn, nhiều ĐBQH quan tâm đặt câu hỏi chất vấn liên quan vấn đề lao động, việc làm. ĐBQH Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận chất vấn: Tại báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá về quy mô lao động việc làm tại nhiều địa phương trong cả nước vẫn còn mất cân đối lớn; Thị trường phục hồi chậm dẫn đến tình trạng một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn như thiếu việc làm... Đề nghị Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết các vấn đề nêu trên?.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH giải thích gì về tình trạng lao động thất nghiệp, thiếu việc làm? - Ảnh 1.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận.

Cùng quan tâm về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh chất vấn, sau hơn 2 năm thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định 176 của Thủ tướng Chính phủ, thị trường lao động Việt Nam bước đầu đã có cải thiện, tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực đất nước vẫn ở vị trí thấp với nhiều nước trong khu vực. Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt khoảng 26%.

"Vậy, Bộ trưởng đánh giá như nào về quá trình triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên? Đến bao giờ chất lượng nguồn nhân lực đất nước mới tiệm cận được với các nước trong khu vực?", đại biểu Nguyễn Thị Hà đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH giải thích gì về tình trạng lao động thất nghiệp, thiếu việc làm? - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh.

Hơn nửa triệu lao động mất việc, giãn việc, thiếu việc

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh về thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quy mô lao động độ tuổi từ 15 trở lên khoảng 55 triệu người; đến quý I/2023, số người tham gia thị trường lao động từ 15 tuổi trở lên 51,4 triệu người.

Theo Bộ trưởng, thị trường lao động Việt Nam thời gian qua đã có một bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về cơ cấu, cả về quy mô, cả sự phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, lao động kỹ năng còn thấp, số lao động qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau là trên 70% nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ hiện nay là 26,4% (tính đến quý I/2023), thấp so với các nước phát triển.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH giải thích gì về tình trạng lao động thất nghiệp, thiếu việc làm? - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn sáng 6/6.

"Thời gian qua, sau khi có Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết 19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Nghị quyết đã nêu 9 nhóm giải pháp căn bản từ việc tuyên truyền, nhận thức, xây dựng chính sách, việc triển khai tổ chức thực hiện…", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Đối với chất vấn của đại biểu Bố Thị Xuân Linh về tình trạng thiếu việc làm, Bộ trưởng cho biết, số người mất việc làm, giãn việc, thiếu việc do cắt giảm đơn hàng là khoảng 506.000 người (cập nhật ngày 26/5), trong đó có khoảng 270.000 người mất việc.

Tình trạng này, theo ông Đào Ngọc Dung có nhiều nguyên nhân như cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất, thay đổi về lực lượng lao động và thực hiện giải quyết chính sách với Bộ Luật Lao động.

Liên quan đến vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu trước phiên chất vấn khẳng định, đây là những vấn đề lớn, liên quan trực tiếp đến đời sống, miếng ăn, giấc ngủ hàng ngày của hàng triệu người dân, người lao động và lực lượng hưu trí cả nước.

Thời gian qua, trong bối cảnh nhiều thay đổi nhanh chóng và phức tạp, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội.

"Chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn để cơ bản đảm bảo các chính sách an sinh xã hội và đời sống nhân dân, triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả nhiều chính sách xã hội, nhằm hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động trong khắc phục khó khăn do đại dịch gây ra", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội: Đề nghị các ĐBQH phát huy tinh thần "Tận tâm - Tận lực - Tích cực - Tâm huyết - Trách nhiệm" trong hoạt động chất vấnChủ tịch Quốc hội: Đề nghị các ĐBQH phát huy tinh thần 'Tận tâm - Tận lực - Tích cực - Tâm huyết - Trách nhiệm' trong hoạt động chất vấn

SKĐS - Sáng 6/6, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội chính thức diễn ra. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu khai mạc phiên chất vấn.


Nhóm PVQH
Ý kiến của bạn