Bộ trưởng Bộ GD&ĐT kiến nghị bỏ việc giao Bộ soạn thảo thêm một bộ sách giáo khoa

14-08-2023 17:19 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn kiến nghị Đoàn Giám sát nghiên cứu bỏ nội dung giao Bộ GD&ĐT soạn thảo một bộ SGK trong dự thảo Nghị quyết về giám sát.

Vừa chống dịch vừa đổi mới giáo dục là nỗ lực phi thường

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, chiều 14/8, UBTVQH xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông".

Thay mặt cơ quan chịu sự giám sát, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục với hơn 1 triệu nhà giáo đã làm nhiều việc rất thực chất, đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để tạo nên những chuyển biến có thực trong thực tế. Đây là lần đầu tiên kể từ khi triển khai đổi mới giáo dục phổ thông năm 2018 có một Đoàn giám sát làm việc với quy mô rộng lớn, toàn diện mang tính toàn quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một cuộc đổi mới có chiều sâu toàn diện và triệt để nhất so với lần đổi mới trước đây; khác về tư tưởng chỉ đạo, nhằm phát triển toàn diện con người.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT kiến nghị bỏ việc giao Bộ soạn thảo thêm một bộ sách giáo khoa - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu điều hành nội dung Phiên họp.

Trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa đổi mới giáo dục là nỗ lực phi thường của hàng triệu giáo viên, học sinh, sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành, 63 tỉnh thành phố; sự quan tâm của Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kiến nghị Đoàn Giám sát nghiên cứu bỏ nội dung giao Bộ GD&ĐT soạn thảo một bộ SGK trong dự thảo Nghị quyết về giám sát. Đồng thời, kiến nghị có nghị quyết riêng về đổi mới giáo dục và giao Bộ GD&ĐT trình Chính phủ, trình Quốc hội các phương án về tăng cường điều kiện đảm bảo cho đổi mới giáo dục, đặc biệt và quan trọng nhất làm sao cho đội ngũ giáo viên sống bằng nghề…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT kiến nghị bỏ việc giao Bộ soạn thảo thêm một bộ sách giáo khoa - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội đánh giá cao hoạt động tổ chức của Đoàn giám sát công phu, bài bản, khoa học, cầu thị. Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã căn cứ vào Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội với mọi tiêu chí cụ thể, hiện đại, tiệm cận với xu thế chung của thế giới là "lấy người học làm trung tâm", và nội dung SGK đóng vai trò là học liệu (tức không phải là nguồn kiến thức duy nhất) để tổ chức hoạt động dạy học theo nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình. Mỗi môn học có nhiều SGK và nhiều SGK là giải pháp quan trọng để thay đổi mục tiêu dạy học từ truyền thụ kiến thức sang dạy học, phát triển năng lực.

Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đánh giá cao nỗ lực của Bộ GD&ĐT, các bộ liên quan, đặc biệt là các thầy cô, các nhà quản lý để thực hiện mục tiêu, giải pháp của Chương trình và đạt được kết quả tích cực: đỡ tính hình thức trong dạy và học, hướng tới mục tiêu phát triển năng lực; đã đa dạng SGK, có nhiều tài liệu tốt để tham khảo, học tập; cơ bản thầy cô, nhà giáo nỗ lực tự học để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới…

Công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân khác biên soạn

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị phân tích, đánh giá bổ sung chế độ, chính sách đối với giáo viên giảng dạy tiếng dân tộc hiện còn nhiều vấn đề bất cập như thiếu hụt nguồn nhân lực, chậm sửa đổi, ban hành chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện xã hội đặc biệt khó khăn, làm ảnh hưởng đến học sinh dân tộc thiểu số là đối tượng thụ hưởng chính sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần bổ sung thêm một số kết quả đã đạt được liên quan đến những cách làm sáng tạo của một số cơ sở giáo dục; việc phát huy hiệu quả mô hình thư viện SGK... để ghi nhận đậm nét thêm về những gì đã đạt được. Bên cạnh đó, bổ sung thêm đánh giá về nguyên nhân hạn chế liên quan đến quy trình tuyển dụng đối với nội dung về thừa, thiếu giáo viên cục bộ để có những giải pháp, đổi mới giải quyết tốt tình trạng này trong thời gian tới...

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT kiến nghị bỏ việc giao Bộ soạn thảo thêm một bộ sách giáo khoa - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Nghị quyết 88 giao nhiệm vụ cho GD&ĐT biên soạn 1 bộ SGK, đến năm 2020 Quốc hội ban hành Nghị quyết 122 quy định nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất 1 bộ SGK được kiểm định, phê duyệt theo Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông mang tính pháp lệnh và chỉ quy định khung kiến thức còn nội dung kiến thức phổ thông đặc biệt quan trọng, thể hiện trong SGK, và nếu Chính phủ, Bộ GD&ĐT chỉ giữ vai trò phê duyệt khung nội dung kiến thức phổ thông như hiện nay thì trách nhiệm xây dựng, phát triển nội dung kiến thức phổ thông, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội thảo luận, xem xét vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng, phát triển nội dung kiến thức phổ thông.

Tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT cần quan tâm đến 3 vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau: Có hay không một bộ SGK mà do Bộ GD&ĐT biên soạn; Làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động truyền thông để tạo sự thống nhất cao; Cần phải có chính sách để thực hiện đổi mới chương trình, SGK phổ thông.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT kiến nghị bỏ việc giao Bộ soạn thảo thêm một bộ sách giáo khoa - Ảnh 4.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phân tích, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội nêu: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông để chủ động triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân khác biên soạn. Như vậy khuyến nghị của Đoàn giám sát đưa ra là trên cơ sở Nghị quyết số 88/2014/QH13. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng thời gian tới các cơ quan cần tiếp tục bàn thảo thấu đáo, nhuần nhuyễn.

Bổ sung 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng Công an nhân dânBổ sung 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng Công an nhân dân

SKĐS - Tại Phiên họp thứ 25, UBTVQH nhất trí bổ sung 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2023.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn