Hà Nội

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề xuất Quốc hội cho phép xây dựng Luật Nhà giáo

02-11-2022 16:37 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề xuất, Quốc hội cho phép xây dựng Luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh… phù hợp với vai trò, vị trí quan trọng, đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo; tạo động lực để nhà giáo gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có thông tin gửi các ĐBQH quan tâm đến lĩnh vực của ngành mình tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, theo thống kê, năm học 2021 - 2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành Giáo dục (công lập 10.407, ngoài công lập 5.858). Trong đó, cấp mầm non có 6.391 giáo viên; tiểu học 4.493 giáo viên; THCS 3.425 và THPT là 1.956 giáo viên.

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, giáo viên nghỉ việc, chuyển khỏi ngành chủ yếu tập trung ở vùng có điều kiện KTXH phát triển như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương… Đây là những nơi giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp, mức thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, một số ít địa phương có điều kiện KTXH khó khăn.

Giáo viên nghỉ việc, chuyển việc: Lương chưa đủ để trang trải cuộc sống - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: GDTĐ.

Trong hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, dẫn đến giáo viên ở các cơ sở này phải tìm kiếm việc làm khác. Một số giáo viên mầm non không phải người địa phương cũng trở về quê cùng gia đình tránh dịch và không trở lại. Đây là hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghỉ việc của giáo viên ngoài công lập trong 2 năm qua.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, việc nghỉ việc của giáo viên tại cơ sở giáo dục công lập do chế độ, chính sách về tiền lương còn nhiều bất cập, lương chưa đủ để trang trải cuộc sống; Một số cơ sở giáo dục chậm đổi mới quản lý, áp lực công việc lớn đối với giáo viên; Cơ sở vật chất các trường công lập chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động nghề nghiệp của giáo viên; Tác động của nền kinh tế thị trường và nhu cầu của giáo viên tăng, giáo viên có năng lực tốt sẽ có xu hướng tìm đến những nơi có điều kiện tốt hơn để tìm cơ hội thăng tiến cho bản thân.

Nói về giải pháp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề xuất, Quốc hội cho phép xây dựng Luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh… phù hợp với vai trò, vị trí quan trọng, đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo; tạo động lực để nhà giáo gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Đề nghị Nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống; đối với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng; được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học…

Các cơ sở giáo dục quan tâm xây dựng môi trường văn hóa trong trường học, phát huy dân chủ, tạo không khí đoàn kết, chia sẻ trong tập thể sư phạm; xây dựng các mối quan hệ hài hòa giữa cán bộ quản lý và giáo viên, giữa giáo viên với nhau; giữa giáo viên với cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội.

Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định về chế độ làm việc, chính sách với nhà giáo theo thẩm quyền, tạo động lực và động viên nhà giáo hoàn thành nhiệm vụ. Rà soát các quy định về hồ sơ, sổ sách của giáo viên, về tổ chức các hội thi, hội thao, về thi đua, khen thưởng…để đảm bảo tính thiết thực; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường và quản lý đội ngũ để giảm bớt áp lực cho giáo viên…

Xem thêm video đang được quan tâm:

Lịch Nghỉ Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023 Của Học Sinh Trên Cả Nước.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn