Bộ trưởng Bộ Công thương: Để xảy ra hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ là điều rất đáng tiếc và bất thường

28-10-2022 12:34 | Thời sự

SKĐS - Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, để xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ ở hệ thống phân phối, thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam là điều rất đáng tiếc và bất thường.

"Triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung và hệ thống kinh doanh xăng dầu vận hành ổn định"'Triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung và hệ thống kinh doanh xăng dầu vận hành ổn định'

SKĐS - Ngày 13/10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo điều hành giá đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá 9 tháng đầu năm và nửa đầu tháng 10 năm 2022, định hướng các tháng cuối năm 2022.

Can thiệp bằng thuế và phí để ổn định thị trường

Phát biểu cho ý kiến, ĐBQH Tạ Thị Yên (đoàn ĐBQH Điện Biên) cho rằng, vấn đề xăng dầu "thiếu thật" hay "thiếu giả" cần phải nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận, đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài.

Theo đại biểu, chúng ta đã có chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. Hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn đảm bảo tới 70-80% sản lượng tiêu thụ trong nước, chỉ phải nhập khẩu 20%. Song thời gian qua đã để xảy ra hiện tượng "hết xăng" tại một loạt các cây xăng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Công thương: Để xảy ra hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ là điều rất đáng tiếc - Ảnh 2.

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.

Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, xăng dầu là nhiên liệu, đầu vào của nền kinh tế, một trong những trụ cột quan trọng chính của an ninh năng lượng quốc gia. Giá xăng, dầu có tác động tới hầu hết các ngành kinh tế và đời sống, sinh hoạt của người dân. Nên giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất kinh doanh sẽ phát triển, sẽ có tăng trưởng kinh tế và nhà nước sẽ lại thu được thuế, phí từ nền kinh tế.

"Tôi cho rằng cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu là bằng chính sách tài khóa, thông qua thuế, phí và làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan", đại biểu Yên đề xuất.

Bộ trưởng Bộ Công thương: Để xảy ra hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ là điều rất đáng tiếc - Ảnh 3.

Toàn cảnh hội trường phiên thảo luận sáng 28/10.

Trước đó, tại phiên thảo luận sáng 27/10, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) cho rằng, tình hình thiếu hụt xăng dầu xảy ra ở nước ta, nhất là ở khu vực phía Nam đã cho thấy sự lúng túng trong xử lý tình huống của các bộ, ngành liên quan trong trách nhiệm quản lý nhà nước.

Từ việc quy định tính đúng, tính đủ đối với giá xăng dầu, đến việc điều tiết nguồn cung của các doanh nghiệp đầu mối để xử lý kịp thời sự thiếu hụt như thời gian vừa qua, v.v., đã làm cho nhân dân, doanh nghiệp bức xúc khi gặp khó khăn xảy ra trong cuộc sống, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và hiện nay hiện tượng này vẫn còn xảy ra cục bộ ở một số địa phương chưa được giải quyết dứt điểm.

Cũng trong buổi thảo luận sáng 27/10, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) kiến nghị, để khắc phục tình trạng thiếu xăng, dầu cục bộ, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, tính toán lại giá cơ bản cho phù hợp với thực tế, đảm bảo hài hòa lợi ích của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ và người dân.

Bộ có giải pháp gì để đảm bảo nguồn cung?

Tham gia giải trình về tình hình cung ứng xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đồng tình và chia sẻ những nỗi băn khoăn của các ĐBQH.

Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chính là lập kế hoạch tạo nguồn cung ứng, cùng chính quyền địa phương quản lý hệ thống kinh doanh xăng dầu trên cả nước. Tuy nhiên, ngành Công Thương cần sự ủng hộ, giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại trong việc cho vay, bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp xăng dầu, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hệ thống phân phối.

Bộ trưởng Bộ Công thương: Để xảy ra hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ là điều rất đáng tiếc - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên giải trình về tình hình cung ứng xăng dầu.

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng và các địa phương đã nỗ lực cố gắng  trong chỉ đạo điều hành thông qua các công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn và cả chính sách xã hội. Vì thế, thị trường xăng dầu nước ta cơ bản được ổn định, tổng nguồn cung không thiếu, giá cả hợp lý và luôn ở nhóm nước có mức giá bán lẻ thấp nhất trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, để xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ ở hệ thống phân phối, thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam là điều rất đáng tiếc và bất thường. Bởi dù hoàn cảnh khó khăn giống nhau nhưng phần lớn các tỉnh, thành phố, nhất là phía Bắc và miền Trung thì không xảy ra như vậy.

Về giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Tập trung chỉ đạo hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối, kinh doanh phân phối chia sẻ nguồn cung trong dự trữ của mình để kịp thời chi viện, ứng cứu trong điều hành; Phối hợp với NHNN  kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về tiếp cận nguồn vốn bảo lãnh tín dụng.

Đồng thời, để doanh nghiệp xăng dầu không lỗ và có lỗ thì cũng trong khả năng chịu được ở thời điểm thị trường xăng dầu có nhiều biến động, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành chức năng tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ và cùng các cơ quan chức năng tiếp tục sử dụng công cụ thuế, phí, quỹ xăng dầu và chính sách an sinh khi cần thiết để điều hành giá bán lẻ xăng dầu phù hợp với biến động giá thế giới, đáp ứng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai phần mềm quản lý, phân phối kinh doanh xăng, dầu; Khẩn trương triển khai, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bộ Y tế cảnh báo dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát vào tháng 11,12 - SKĐS.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn