Tình trạng lọt, lọt thông tin, mua bán chiếm đoạt dữ liệu cá nhân trên mạng
Chiều 4/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đăng đàn trả lời chất vấn. Trong phiên chất vấn chiều nay, nội dung về công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử được nhiều đại biểu quan tâm.
Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội nêu vấn đề, bảo mật và an toàn thông tin cá nhân, các trường hợp vi phạm dữ liệu cá nhân và gian lận thương mại khiến cử tri lo lắng, do dự khi tiến hành thanh toán trực tuyến.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện hoạt động thương mại điện tử đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn, gồm: Việc mất an toàn dữ liệu cá nhân; Hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn thấp chưa được kiểm soát chặt chẽ đã ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng và vấn đề thất thu thuế.
Trong đó, tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân, mua bán, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng tuy không phổ biến nhưng ảnh hưởng trực tiếp và khiến nhiều người lo lắng. "Chúng tôi nghĩ rằng về bảo vệ an toàn dữ liệu cá nhân, đúng là có tình trạng loạn trong việc mua bán, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng", Bộ trưởng Công thương cho biết.
Thời gian qua, Bộ Công thương đã nhận diện rõ vấn đề này và nghiên cứu tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định 55 hướng dẫn thi hành luật.
Trong đó, có bổ sung nhiệm vụ tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, như phải xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh của người tiêu dùng. Dự kiến ngày 01/7 tới đây, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực được kỳ vọng sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên.
Cùng với đó, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Công an xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm các quy định của pháp luật toàn diện các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thương mại điện tử.
Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về các quy định mới của pháp luật, yêu cầu các tổ chức cá nhân kinh doanh xây dựng quy tắc bảo mật thông tin và yêu cầu sản giao dịch điện tử công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
Áp dụng định danh điện tử cho người bán trên sàn thương mại điện tử để chống thất thu thuế
Về vấn đề thất thu thuế, Bộ trưởng cho biết, thực tế thời gian qua cho thấy, doanh thu qua sàn thương mại điện tử đã giao dịch rất lớn, tới gần 21 tỷ USD. Vì vậy, việc nộp thuế trong lĩnh vực này của năm 2023 theo thống kê là gần 100.000 tỷ đồng, tăng 16,1% so với năm 2022.
"Chúng ta không thể phủ nhận thất thu thuế. Tuy nhiên, Bộ Công Thương thời gian qua tích cực phối hợp với ngành thuế, Bộ Tài chính, chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để thực hiện việc rà soát", Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết.
Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử, chia sẻ với các bộ ngành liên quan để phục vụ công tác quản lý thuế và hải quan.
Cơ quan này cũng khẩn trương hoàn thiện kết nối giữa cơ quan chức năng của Bộ Công Thương và Tổng cục Thuế để trao đổi các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trong tháng 6/2024.
Ngoài ra, Bộ Công thương đang tăng cường phối hợp Bộ Công an áp dụng định danh điện tử cho người bán trên sàn thương mại điện tử để tăng cường quản lý chống thất thu thuế. Đồng thời, phối hợp với Tổng cục Thuế để xử phạt các hộ gia định, cá nhân, hộ kinh doanh không công khai nộp thuế.
Xem thêm video được quan tâm:
Đại biểu Quốc Hội đưa ra đề nghị cần thiết phải thu hồi giấy phép lái xe đối với người nghiện ma tuý