Bộ trưởng Bộ Công an kiến nghị 4 giải pháp ngăn lộ, lọt thông tin cá nhân trên không gian mạng

04-11-2022 15:42 | Thời sự

SKĐS - Trước chất vấn của ĐBQH liên quan đến việc lộ, lọt thông tin cá nhân trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã kiến nghị 4 giải pháp để ngăn chặn tình trạng này.

Đầu giờ chiều 4/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn các ĐBQH liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách.

ĐBQH Trình Lam Sinh (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) nêu, thời gian gần đây, nhiều người dân nhận được các cuộc gọi thông báo mình đã vi phạm pháp luật ở một số lĩnh vực như giao thông, xây dựng, mua bán… yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản hoặc chuyển khoản nộp phạt, nếu không thì sẽ chuyển cơ quan điều tra, khởi tố.

Đại biểu Trình Lam Sinh nhấn mạnh: Vấn đề ở đây là tại sao những kẻ lừa đảo này lại biết chính xác tên tuổi, địa chỉ nơi làm việc, thậm chí là cả chức danh, chức vụ của bị hại?

Bộ Công an: 'Tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu, thông tin cá nhân rất phức tạp' - Ảnh 1.

ĐBQH Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang.

"Có vẻ như bằng cách nào đó, thông tin cá nhân của người dân đã bị lộ, lọt để những kẻ xấu khai thác. Vấn đề này đang gây hoang mang và bức xúc trong nhân dân, đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến của mình và giải pháp khắc phục để ngăn chặn", đại biểu chất vấn.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trình Lam Sinh, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, có 2 nguyên nhân dẫn đến lộ, lọt thông tin cá nhân. Thứ nhất là nguyên nhân kỹ thuật: Một số tổ chức, doanh nghiệp thu thập thông tin chưa đảm bảo an toàn và bị hacker tấn công, lấy cắp dữ liệu.

"Hiện nay, trên "chợ đen" bán dữ liệu Việt Nam, theo Bộ Công an có 1.300 GB dữ liệu, tính ra hàng tỷ thông tin", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Thứ hai, nguyên nhân phi kỹ thuật: Do người dân dễ dãi trong việc cung cấp thông tin cá nhân, chưa coi đây là tài sản tự mình phải bảo vệ. Cũng có việc một số doanh nghiệp quản lý nội bộ kém nên nhân viên lấy dữ liệu nội bộ bán ra bên ngoài.

Bộ Công an: 'Tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu, thông tin cá nhân rất phức tạp' - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn.

Người đứng đầu Bộ TT&TT cho biết, Bộ đã tiến hành một số việc như: Ban hành bộ cẩm nang an toàn thông tin, trong đó có nội dung rất quan trọng việc người dân bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình. Hiện nay, Bộ cũng đã xây dựng một cơ sở dữ liệu về lộ, lọt thông tin thông qua doanh nghiệp, tổ chức quốc tế; Yêu cầu các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp khách hàng khi muốn tiếp cận khách hàng thì làm việc với nhà mạng để hiện tên chứ không hiện số điện thoại.

Đồng thời, Bộ TT&TT cũng phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý một số vụ mua bán thông tin, mua bán dữ liệu cá nhân mang tính răn đe; Thanh tra các nhà mạng một cách toàn diện về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân; Tăng cường truyền thông về dữ liệu cá nhân để người dân, doanh nghiệp tự bảo vệ.

Tham gia giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu và thông tin cá nhân diễn ra rất phức tạp.

Bộ Công an: 'Tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu, thông tin cá nhân rất phức tạp' - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn việc lộ, lọt dữ liệu thông tin cá nhân trên không gian mạng, Bộ trưởng Tô Lâm đã kiến nghị 4 giải pháp gồm:

  1. Hoàn thành hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách đặc thù về bảo vệ an ninh, an toàn thông tin mạng;
  2. Các Bộ, ngành, các địa phương chủ động đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh hệ thống, an ninh thông tin quan trọng về an ninh quốc gia;
  3. Phải xây dựng chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin;
  4. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên lĩnh vực an ninh mạng, an ninh dữ liệu và mở rộng quan hệ hợp tác với quốc gia.
Báo động vấn nạn giả Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để hăm dọa, lừa đảo, chiếm đoạt tiềnBáo động vấn nạn giả Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để hăm dọa, lừa đảo, chiếm đoạt tiền

SKĐS - Theo Bộ Công an, thời gian vừa qua, nhiều đối tượng giả danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… gọi điện để hăm dọa bị hại để lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Không chủ quan dù số ca mắc Covid 19 giảm sâu | SKĐS



Lê Bảo
Ý kiến của bạn