Hà Nội

Bộ tộc người có đôi mắt của loài cá

06-06-2009 08:08 | Thời sự
google news

Người dân thuộc bộ lạc Moken sinh sống dọc vùng biển Andaman giữa Thái Lan và Myanmar được cả thế giới biết đến bởi khả năng kỳ lạ: nhìn rõ mồn một mọi vật ở dưới nước bằng mắt trần. Điều gì đã tạo lên khả năng siêu việt?

Người dân thuộc bộ lạc Moken sinh sống dọc vùng biển Andaman giữa Thái Lan và Myanmar được cả thế giới biết đến bởi khả năng kỳ lạ: nhìn rõ mồn một mọi vật ở dưới nước bằng mắt trần. Điều gì đã tạo lên khả năng siêu việt? Có phải chính cuộc sống gắn liền với biển đã ban cho người Moken đôi mắt của loài thủy tộc?

Bộ lạc mắt tinh dưới nước

Nếu người bình thường lặn xuống đáy biển mà không đeo kính lặn hoặc mặt nạ thì đôi mắt gần nhừ bị... mù. Hình ảnh nhìn thấy sẽ rất mờ bởi mắt người vốn chỉ thích nghi với môi trường không khí. Thế nhưng người Moken có thể nhìn thấy rõ những con sò, trai, hải sâm và cả con ốc nhỏ xíu ở độ sâu 3 - 4m nước mà không cần đến mặt nạ hay kính bơi.

Thông qua tập luyện, mắt người có thể thích nghi với môi trường nước. 

Tất nhiên, nhìn xuyên làn nước chưa phải là điều gì khiến người ta ngạc nhiên nhất bởi trên thế giới có không ít "siêu nhân" có đôi mắt thấu thị, nhìn xuyên được tường, xuyên lòng đất, xuyên không gian... Nhưng điều ngạc nhiên là cả bộ lạc gồm khoảng 15.000 nhân khẩu, từ trẻ đến già, cả nam lẫn nữ đều có thị giác rất tốt trong môi trường nước. Từ bao đời nay, người Moken đã sử dụng khả năng này để tìm kiếm thức ăn dưới đáy đại dương. Giới khoa học gọi họ là "Bộ lạc có mắt của loài cá".

Moken là một bộ lạc thổ dân bán di cư. Họ sinh sống dọc bờ biển Andaman thuộc hải phận của Thái Lan và Myanmar. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được gốc gác của người Moken là ở Thái Lan hay Myanmar song người ta biết chắc rằng tổ tiên của người Moken đã gắn chặt cuộc sống với biển, từ đời này sang đời khác, họ xem biển là đất liền và nhà của họ là những chiếc thuyền.

Sau thảm họa sóng thần xảy ra tại châu Á năm 2004, người ta đã vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng không có người Moken nào là nạn nhân của sóng thần cả. Có lẽ sự hiểu biết và kinh nghiệm sinh sống trên biển đã giúp họ thoát khỏi thảm họa kinh hoàng đó. Thế nhưng người ta lại không thể giải thích được vì sao cả những em bé 5 - 7 tuổi trong bộ lạc này cũng có được khả năng nhìn rõ mọi vật dưới nước như các loài thủy tộc. Trong môi trường nước, mắt của các em tinh gấp 3 lần mắt của trẻ em châu Âu, vì thế có thể phân biệt được những vật thể đường kính nhỏ hơn 1,5 mm, trong khi trẻ em châu Âu phải vất vả lắm mới nhìn thấy những thứ dưới 3mm. Điều gì đã tạo nên khả năng kỳ lạ này?

Giới khoa học vào cuộc

Khả năng nhìn xuyên nước của người Moken đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trên thế giới, trong đó phải kể đến nhà sinh học chuyên nghiên cứu về mắt, GS. Anna Gislen của Trường đại học Y khoa thành phố Lund (Thụy Điển). Qua nghiên cứu và tìm hiểu, GS. Anna Gislen nhận định rằng: có một sự khác biệt lớn giữa khả năng nhìn dưới nước của người Moken và những người bình thường khác. Về mặt sinh học, mắt người bình thường rất khó thích nghi với môi trường nước. Do mắt người tròn và chứa chất lỏng có thể tập trung các tia sáng về phía con ngươi. Người ta gọi đó là năng lực khúc xạ. Có điều, trong môi trường nước, ánh sáng lại không truyền đi giống như trong không khí. Kết quả là năng lực khúc xạ của mắt người có thể giảm đến 2/3 khi ở dưới nước. Tất cả những gì diễn ra trước mắt đều mờ ảo khiến cho việc đánh giá chính xác các động vật biển như cá, san hô, ốc và cả khoảng cách hoàn toàn bị sai lệch. Bình thường chỉ có những người bị cận thị nặng mới có thể bù đắp lại được sự sụt giảm này. Giả thuyết đầu tiên mà GS. Anna Gislen đưa ra là có thể người Moken đã bị cận thị như loài chuột chũi. Thế nhưng điều mà nhà khoa học người Thụy Điển này không giải thích được là  khi từ dưới nước lên mặt đất, mắt của người Moken lại trở lại bình thường.

Mãi đến mới đây, sau khi trở lại bờ biển Andaman lần thứ 3, nhóm nghiên cứu của GS. Anna Gislen mới phát hiện ra bí quyết nhìn dưới nước của người dân bộ lạc Moken: Khi lặn, họ đã thu hẹp đồng tử lại. Ngoài ra, họ còn có khả năng nén thuỷ tinh thể để cho chúng trở nên dày hơn, nhờ thế có thể bẻ cong được dòng ánh sáng đi vào. Hai quá trình này giúp cho hình ảnh dưới nước trở nên sắc nét hơn trong mắt họ. Theo nhóm nghiên cứu, có được khả năng này là do sự thích ứng của mắt người Moken trong môi trường nước hơn hẳn mắt người bình thường. Sự thích ứng với môi trường là một phản ứng phụ mà các nhà khoa học trong lĩnh vực nhãn khoa gọi là "sự hưởng ứng phản xạ khi lặn xuống nước". Tất cả các loài động vật có vú, kể cả con người đều hiện hữu cơ chế đặc biệt này nhưng ở nhiều cấp độ khác nhau. Và có thể, đối với người Moken, sự đáp ứng của phản xạ được phát triển mạnh và ngay lập tức bởi một số dây thần kinh thị lực.

Howard Howland, nhà sinh học thần kinh thuộc Đại học Cornell (New York, Mỹ) cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi biết đến một báo cáo về khả năng nhìn dưới nước của những người thổ dân". Theo lý giải của Howard Howland thì kỹ năng thu hẹp đồng tử và nén thủy tinh thể để nhìn rõ mọi vật dưới nước là hoàn toàn có thể học được, dù là học một cách vô thức. Kỹ năng này dần dần được tiến hóa lựa chọn cho các thế hệ sau. Chính tiến hóa đã hỗ trợ cho quá trình thích nghi di truyền nhằm tăng cường khả năng nhìn dưới nước của người Moken. Điều này giúp giải thích tại sao trẻ em Moken ngay từ khi còn nhỏ cũng đã ít nhiều có kỹ năng này. Theo các nhà khoa học, trong giai đoạn dưới 10 tuổi, khả năng thu hẹp đồng tử, nén thuỷ tinh thể của các em vẫn còn tương đối yếu, nó sẽ mạnh dần lên khi đến tuổi trưởng thành. Chỉ tiếc là nhóm nghiên cứu chưa biết được cụ thể mức độ "tinh mắt" của người Moken trưởng thành bởi họ quá rụt rè, e ngại nên đã không đồng ý tham gia các thử nghiệm của GS. Gislen. Dù sao thì những nghiên cứu về đôi mắt đặc biệt của người Moken cũng cho thấy khả năng đáp ứng của con người với môi trường thiên nhiên để tồn tại là vô tận.

Anh Thư (Theo Nature)


Ý kiến của bạn