Bộ TNMT đề xuất mới về xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường

15-09-2019 19:51 | Thời sự
google news

SKĐS - Dự thảo bổ sung 2 biện pháp là buộc di dời dự án, cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và buộc lập đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án cải tạo, nâng cấp bổ sung các công trình bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt...

Bộ TNMT đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Dự thảo bổ sung quy định cụ thể tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Việc bổ sung này nhằm khắc phục vướng mắc trong việc xác định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Nghị định này bao gồm: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo quy định của Luật hợp tác xã; nhà đầu tư nước ngoài; tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam…

Về biện pháp khắc phục hậu quả: Dự thảo bổ sung 02 biện pháp là buộc di dời dự án, cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và buộc lập đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án cải tạo, nâng cấp, bổ sung các công trình bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; bổ sung quy định việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ chứng minh hậu quả hoặc số lợi bất hợp pháp thu được do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

Dự thảo cũng nêu rõ, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình bảo vệ môi trường đã cam kết trong kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận; xây lắp không đúng quy định đối với công trình xử lý chất thải đã cam kết trong kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận; không có biện pháp thu gom triệt để nước thải, khí thải phát sinh trong quá trình hoạt động để xử lý theo quy định.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định; không đăng ký lại kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định.

Theo Bộ TNMT, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP được ban hành với khung và mức phạt cao, hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả nghiêm khắc (ngoài bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả vi phạm, buộc phải dừng hoạt động…), có tính răn đe cao đã tạo sự chuyển biến tích cực đối với doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã có ý thức khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm, đã quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường và vận hành thường xuyên hệ thống xử lý chất thải đạt QCVN; thu gom, quản lý, xử lý chất thải…

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị định số 155/2016/NĐ-CP còn một số tồn tại, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế hiện nay như: Chưa quy định rõ đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, theo đó, nhiều trường hợp bị lúng túng khi áp dụng xử phạt như: xử phạt đối tượng là chi nhánh, là cơ quan quản lý nhà nước nhưng được giao nhiệm vụ đầu tư dịch vụ công; một số biện pháp khắc phục hậu quả quy định chung cho các hành vi của cả Điều, chưa cụ thể nên gây lúng túng khi áp dụng trên thực tế; chưa quy định hành vi không thực hiện giám sát môi trường định kỳ theo quy định…

Vì các lý do nêu trên, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là cần thiết và là yêu cầu thực tiễn khách quan.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý dưới đây:


P.H
Ý kiến của bạn