Bộ TNMT công bố: Biển miền Trung đã sạch!

22-08-2016 10:29 | Thời sự
google news

Theo Bộ Tài nguyên và môi trường nước biển miền Trung nằm trong chuẩn cho phép, chất độc trong thủy hải sản đã giảm dần theo thời gian.

Sáng 22-8, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) phối hợp với Viện hàn lâm khoa học và công nghệ, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị Báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế.

Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ TN-MT, sau thời gian thực hiện nhiệm vụ, đến nay việc điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển các tỉnh miền Trung đã được hoàn thành.


Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà, cho biết sự cố môi trường do Công ty Fomosa gây ra ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân, tình hình an ninh trật tự ở các tỉnh miền Trung. Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị, mong muốn sau khi công bố các yếu tố môi trường biển miền Trung, du khách sẽ quay trở lại Quảng Trị. Sau sự kiện này, biển miền Trung sẽ quay trở lại như những ngày chưa xảy ra sự cố.

GS-TS Mai Trọng Nhuận (ĐH Quốc gia Hà Nội) đại diện cho nhóm chuyên gia nghiên cứu cho biết, kết quả quan trắc đánh giá hiện trạng, diễn biến và mức độ ô nhiễm của môi trường biển và các hệ sinh thái biển và ven biển 4 tỉnh miền Trung bằng quy trình, phương pháp khoa học, hợp lý cho thấy:

Các thông số đặc trưng môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn các khu vực đã nằm trong giới hạn của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với các vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thuỷ sản, bảo tồn thủy sinh.

Tuy nhiên, một số khu vực có dòng chảy cục bộ như Sơn Dương, phía đông biển Nhật Lệ, hòn Sơn Chà, khả năng phân tán các chất trong nước kém hơn, đồng thời khả năng tích lũy độc tố trong trầm tích cao hơn nên cần tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ.

Với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn chất thải từ đất liền và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường biển, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đang có xu hướng giảm theo thời gian.


Toàn cảnh vụ cá chết ở miền Trung

Toàn cảnh vụ cá chết ở miền Trung

Hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và nguồn lợi hải sản ở khu vực sau những tác động của sự cố ô nhiễm môi trường bị suy thoái mạnh cả về đa dạng sinh học và quy mô nay đã bắt đầu có sự hồi phục tích cực.

Về chất lượng hải sản đánh bắt, theo số liệu giám sát của Bộ Y tế, từ ngày 22-4 đến 8-8, kết quả kiểm nghiệm đánh giá mức độ an toàn của các mẫu hải sản lấy từ 4 tỉnh miền Trung cho thấy hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện giám sát hải sản đánh bắt tại các vùng biển an toàn đã được Bộ TNMT công bố.

Để tiếp tục theo dõi, đánh giá chất lượng môi trường và các hệ sinh thái ven bờ khu vực miên Trung và giám sát nguồn tác động từ các dự án, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất…, Bộ TNMT sẽ triển khai đồng bộ các hoạt động quan trắc, giám sát trên biển, trên đất liền, đặc biệt giám sát chặt chẽ nguồn thải từ nhà máy Formosa,kết nối dữ liệu, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sỡ dữ liệu, và các công nghệ hiện đại trong giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường biển…

Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (xã Sơn Dương, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế vào đầu tháng 4 vừa qua khiến đời sống người dân 4 tỉnh lao đao. Để tìm nguyên nhân, 7 bộ ngành cùng các viện nghiên cứu, 100 nhà khoa học trong và ngoài nước đã vào cuộc. Sau hơn 2 tháng, ngày 28-6, Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cúi đầu thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra thảm họa cá chết, cam kết bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả và cải tạo môi trường.


Ý kiến của bạn