Đa phần trẻ mắc sởi đều “quên” tiêm chủng
TS. Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TW cho biết, số ca mắc sởi luỹ tiến nhập viện điều trị tại Khoa từ đầu năm đến nay đã lên tới gần 500 trẻ. Trong đó, tăng mạnh 2 tháng gần đây, mỗi tháng trung bình gần 100 ca, có ngày cao điểm tiếp nhận 10-12 trẻ. “Trong đó, trên 85% trẻ nhập viện đều không được tiêm chủng đầy đủ hoặc chưa đến tuổi tiêm chủng. Đặc biệt, các trường hợp dưới 1 tuổi có nguy cơ gặp nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa...”, TS. Nguyễn Văn Lâm cho biết.
Tại BV Bệnh Nhiệt đới TW, số lượng trẻ vào BV này dù không đột biến nhưng cũng tăng khá nhanh. PGS.TS. Bùi Vũ Huy - Trưởng khoa Nhi, BV Bệnh Nhiệt đới TW cho biết, trong hơn 1 tháng qua, đã có thêm 35 trường hợp trẻ bị sởi đến thăm khám, nhập viện, nâng tổng số trẻ nhập viện do mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 75 ca. Trong số này có một số trường hợp biến chứng viêm phổi nặng, cá biệt là cặp song sinh đẻ non tại Hà Nội.
Về tình hình bệnh sởi tại Hà Nội, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, hầu hết số ca bệnh mắc rải rác tại 30/30 quận huyện, tập trung tại các quận nội thành như Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm... Dù chưa có bệnh nhân tử vong nhưng số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2017. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 389 trường hợp mắc sởi, riêng trong tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận 12 trường hợp mắc sởi. Theo TS. Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hà Nội, qua phân tích dịch tễ người bệnh sởi cho thấy, đối tượng mắc bệnh chủ yếu là nhóm trẻ dưới 5 tuổi, trong đó nhóm dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Hầu hết trường hợp mắc sởi là do không tiêm hoặc chưa được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh sởi.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ. Ảnh: TM
Bệnh sởi có chiều hướng gia tăng cao và sớm
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tính chung cả nước, từ đầu năm đến nay, đã ghi nhận hơn 1.000 trường hợp sốt phát ban nghi sởi (trong đó 521 trường hợp dương tính) tại 37 tỉnh, thành phố. Số ca mắc sởi chủ yếu là trẻ em, tập trung tại các tỉnh, thành phố như: Sơn La, Hà Nội, Quảng Ninh, Điện Biên, Thanh Hóa, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Ninh, Cao Bằng, Bắc Cạn, Nam Định, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bình Thuận... Số trẻ mắc sởi rải rác và đều không được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng. Đáng lưu ý, so với cùng kỳ năm 2017, tình hình bệnh sởi năm nay đang có chiều hướng gia tăng cao và sớm ngay từ những tháng mùa hè thay vì đông-xuân.
Các chuyên gia cũng dự báo thời gian tới sẽ xuất hiện thêm các trường hợp mắc bệnh rải rác tại các địa phương do tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt 95% quy mô xã, phường, nhất là tại khu vực di biến động dân cư lớn, vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, vùng đồng bào dân tộc sinh sống.
Theo TS. Nguyễn Văn Lâm, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut sởi gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh sởi có thể tự khỏi nhưng vẫn gây ra tử vong trên các bệnh nhi có sẵn nền bệnh lý khác. Đồng thời, khi mắc sởi sẽ làm trẻ suy giảm hệ miễn dịch nên dễ mắc thêm các bệnh phối hợp, nặng nhất là viêm phổi và viêm não, tủy cấp. “Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Hiện nay, cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh là đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch”, TS. Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo.
- Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc-xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc-xin phòng sởi.
- Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.
- Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.