Hà Nội

Bó thuốc nam sau tai nạn giao thông, bé gái hoảng hồn khi gối không gấp duỗi được

25-10-2018 10:37 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn vừa tiếp nhận trường hợp cháu bé 12 tuổi bị chấn thương tai nạn giao thông, hoàn toàn không gấp duỗi được đầu gối trái.

Bé Vy Thị V, 12 tuổi (ở Tân Việt, Văn Lãng, Lạng Sơn) vào viện ngày 30/08/2018 trong tình trạng chân trái bị chấn thương, hoàn toàn không gấp duỗi được đầu gối trái.

Theo lời kể của gia đình bé, trước đó khoảng 1 tuần, bé V bị tai nạn giao thông, chấn thương gối trái. Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình không đưa cháu đến bệnh viện mà tự bó thuốc nam tại nhà. Lúc vào, khớp gối trái hoàn toàn không gấp duỗi được do bó thuốc nam sai tư thế, khớp gối vĩnh viễn có nguy cơ bị cứng, biến dạng khung chậu, cột sống do tư thế không cân đối, có thể tàn tật suốt đời.

Bé V trước khi điều trị.

Tại đây, bé  V đã được điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu - phục hồi chức năng: xoa bóp, kéo nắn. Khó khăn lớn nhất với V là phải chịu đau đớn trong suốt quá trình tập luyện, bố lại thường xuyên say rượu, mẹ thiếu hiểu biết nên chỉ có người bác họ đến chăm sóc cháu.

Những khi bác bận việc, sinh hoạt và tập luyện của V đều nhờ vào các cô điều dưỡng và người nhà bệnh nhân điều trị cùng phòng. Chia sẻ khó khăn cùng gia đình bé V, Bệnh viện đã hỗ trợ tiền ăn hàng ngày cho cháu bé.

Bệnh nhi V  sau khi điều trị.

Bác sĩ Phan Thanh Huy- Giám đốc bệnh viện cho biết, sau hơn 1 tháng điều trị bằng các biện pháp tích cực của thầy thuốc và sự cố gắng của người bệnh, khớp gối trái bé V đã hồi phục hoàn toàn, được ra viện.

Giờ đây V đã có thể đến trường và sinh hoạt như bao bạn bè khác. Trước kết quả điều trị của V, người bác họ chăm sóc cháu trong thời gian điều trị đã gửi thư cảm ơn Khoa Phục hồi chức năng và cả Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn - BS. Huy cho biết thêm.

Theo các bác sĩ trong thực tế lâm sàng, rất nhiều trường hợp gặp biến chứng do điều trị bệnh lý cơ xương khớp không đúng.

Có một trường hợp bệnh nhân nam khoảng 55 tuổi, bị chấn thương gãy xương hở cẳng chân, tuy nhiên bệnh nhân lại không tìm đến các cơ sở khám chữa bệnh để được điều trị mà tự đắp thuốc đông y không rõ nguồn gốc.

Kết quả chân của bệnh nhân bị nhiễm trùng, hoại tử nặng. Sau đó bệnh nhân nhập viện và phải trải qua 3 lần phẫu thuật. Cuối cùng phải cắt cụt cẳng chân. Trường hợp này nếu từ đầu bệnh nhân được đến bệnh viện khám và điều trị đúng cách thì chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn rất nhiều.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo khi bị chấn thương xương khớp tốt nhất là nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được khám, tư vấn và điều trị đúng cách.

Đứng trước thực trạng khi gặp nạn nhân bị tai nạn giao thông nhiều người không dám vào sơ cứu vì sợ làm nặng thêm tổn thương, TS.BS Hoàng Bùi Hải, Khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực, BV ĐH Y Hà Nội tóm tắt một số kiến thức cơ bản, giúp người chứng kiến tự tin hơn khi sơ cứu tai nạn thương tích trên đường phố.
Bước 1: Nhanh chóng gọi người hỗ trợ.
Bước 2: Xem nạn nhân có bị ngừng tim chưa (gọi hỏi không biết, ngừng thở hoặc thở ngáp, mạch cổ không đập). Nếu có ngừng tim cần để nạn nhân nằm ngửa nhẹ nhàng, duỗi thằng chân tay, tránh gập cổ…rồi ép tim ngay, đặt 2 tay chồng lên nhau giữa ngực nạn nhân và ép thật mạnh, thật nhanh, thả tay để ngực nở tối đa sau mỗi lần ép tim. Ép tim liên tục không nghỉ, sau 2 phút có người thay. Ép cho đến khi tim đập lại (tỉnh ra, thở được, có mạch cổ đập), hoặc cho đến khi nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp đến.
Chỉ di chuyển nạn nhân bị ngừng tim vào bệnh viện khi tim đã đập lại. Nếu nạn nhân vẫn tỉnh, hoặc lơ mơ, vẫn tự thở thì sang bước 3.
Bước 3: Đặt nạn nhân nằm nghiêng an toàn, nằm nghiêng một bên, 2 tay duỗi, một chân vắt chéo sang bên đối diện.
Bước 4. Cố định cột sốt cổ, yêu cầu cột sống cố phải thẳng với trục cơ thể. Có thể dung 2 bao cát hay 2 viên gạch chèn 2 bên tai khi bệnh nhân nằm
Bước 5: Tìm các vết thương chảy máu để cầm máu, bằng cách băng ép bằng quần áo, dây. Với nạn nhân chảy máu ở đầu, người cứu phải quấn băng quanh đầu để cầm máu, nhưng vẫn phải luôn giữ đầu cố định.
Bước 6: Cố định các vết thương gẵy xương như xương đùi, xương cẳng tay bằng nẹp, giúp giảm đau cho nạn nhân.
Bước 7: Di chuyển nạn nhân vào bệnh viện gần nhất bằng xe cứu thương, có thể bằng ô tô…tuyệt đối không vận chuyển bằng xe máy. Giữ tư thế đầu thẳng với trục cơ thể trong suốt quá trình vận chuyển.
Lưu ý: Phải bảo vệ cột sống cổ của bệnh nhân khi di chuyển bằng cách một người đỡ đầu để thẳng trục với thân, một người xốc nách từ sau, một người đỡ hai chân cả 3 người cùng lùi cùng tiến. Để đầu, cột sống cổ luôn thẳng trục với thân mình.

Lê Hà
Ý kiến của bạn