Bỏ thuốc lá cần một quyết tâm rất cao!

25-07-2019 13:41 | Đời sống
google news

SKĐS - Bỏ thuốc lá có nghĩa là phá vỡ chu kỳ nghiện và về cơ bản nối lại sự điều khiển của não với việc ngăn chặn sự thèm muốn nicotine.

Để thành công, người hút thuốc muốn bỏ thuốc lá cần có kế hoạch để đánh bại sự thèm muốn và kích thích của hoạt chất này. Người hút thuốc càng nhanh chóng cắt bỏ thuốc, họ sẽ giảm được nguy cơ ung thư, bệnh tim, phổi và các điều kiện có hại khác liên quan đến hút thuốc nhanh hơn.

Khi người hút thuốc cố gắng cắt giảm hay dừng hút thuốc, họ sẽ trải qua quá trình khó chịu và không thoải mái bởi vì não bộ phản ứng và “yêu cầu” phải tiêu thụ nicotine. Nếu vượt qua được cảm giác này, bạn sẽ cai nghiện thuốc lá thành công. Đặc biệt, việc bỏ thuốc sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá giảm đáng kể.

Chỉ vài phút sau khi bạn hút điếu thuốc cuối cùng, cơ thể đã bắt đầu xuất hiện những thay đổi tích cực. Dần dần nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư, bệnh phổi... cũng sẽ giảm xuống, thậm chí trở về như người bình thường. Chính vì vậy, dù bạn bao nhiều tuổi, hút thuốc bao lâu, thì buông điếu thuốc ngay lập tức sẽ không bao giờ là muộn.

Bỏ thuốc lá cần một quyết tâm rất cao!

Bốn điểm tổng quát cần chú ý

Nghiện thuốc là một bệnh mạn tính cũng như là bệnh tăng huyết áp hay bệnh đái đường, cần phải có thái độ nghiêm túc và có cách chữa trị đúng mới thành công. Nhưng điều quan trọng là:

Gia đình, bạn bè và những người xung quanh có vai trò quan trọng trong việc giúp bạn bỏ thuốc.

Để bỏ thuốc thì quyết tâm là yếu tố quyết định: Hiểu biết Quyết tâm Hỗ trợ = Thành công.

Có 4 giai đoạn của cai nghiện cần phải vượt qua:

a) Nghĩ về việc bỏ thuốc

b) Chuẩn bị các yếu tố cần thiết để bỏ thuốc

c) Bỏ hẳn thuốc

d) Duy trì thời gian hoàn toàn không lệ thuộc vào thuốc lá

Những rào cản phải vượt qua khi quyết tâm bỏ thuốc

* Ngày đầu tiên

Trong vòng 24 giờ, các khí carbon monoxide - gây cản trở việc cung cấp ôxy cho các tế bào, mô và cơ quan của cơ thể - dần được loại bỏ khỏi cơ thể của bạn. Các lông nhỏ trong phổi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ “quét sạch” kích thích ra khỏi phổi, làm cho việc hô hấp được dễ dàng hơn.

Những ngày đầu tiên là khó khăn nhất vì cơ thể bạn đang tự điều chỉnh nicotine tự do. Nếu công việc của bạn có thể tách ra khỏi để ngừng hút thuốc lá, thì không nên ngồi tại bàn của bạn mà hãy đi lại và làm một điều gì đó - như đi bộ, đọc một cuốn tạp chí hoặc có thể có một bữa ăn nhẹ lành mạnh chẳng hạn. Bí quyết là không phải chỉ ngồi đó nhấm nháp nỗi đau khổ khi bỏ thuốc, mà hãy tìm kiếm một cái gì đó để quên đi sự chiếm đóng của nó trong thói quen và cơn thèm thuốc.

* Tuần đầu tiên

Sau hai ngày không còn có nicotine trong cơ thể, các giác quan và cảm nhận mùi vị của bạn sẽ bắt đầu được cải thiện đáng kể. Sau 3 ngày, bạn sẽ bắt đầu cảm nhận nhiều hơn sinh lực và nhịp thở của bạn cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Những tuần đầu tiên là rất quan trọng, vì vậy cần đảm bảo rằng chung quanh bạn luôn có sự hỗ trợ thực sự hữu ích từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp... để nhắc nhở rằng bạn không đơn độc.

* 3 đến 5 tháng

Trong khoảng 3 tháng, tuần hoàn của bạn đã được cải thiện và không có bất kỳ cơn ho hoặc biểu hiện thở khò khè nên hầu hết hệ hô hấp đều được sạch sẽ. So với khi bạn đang hút thuốc, chức năng của phổi đã tăng thêm khoảng 10%.

Khoảng thời gian này, có nhiều nguy cơ khiến bạn trở nên tự mãn, nghĩ rằng bạn đang làm rất tốt và tự nhủ “mình sẽ chỉ cần như vậy là đủ”. Chẳng may bạn gặp một “tình huống xã hội”, một ngày khó khăn tại nơi làm việc, hoặc nhận được một số tin xấu và cảm thấy một chút căng thẳng... đó là những lý do làm bạn dễ dàng lại cầm điếu thuốc trên tay. Với tình huống này, những gì bạn cần làm là nghỉ ngơi vài phút, suy nghĩ nhiều và nhắc nhở bản thân lý do, quyết tâm vì sao bạn bỏ thuốc lá.

Thay vì tìm một điếu thuốc, hãy tìm một cách giải tỏa khác như nghe nhạc, làm một số động tác thể dục hoặc đi bộ ngắn. Dần dần bạn sẽ bắt đầu phá vỡ sự liên kết giữa những tình huống này với việc hút thuốc lá.

(Nguồn: Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia, Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương)


Nhật Hạ
Ý kiến của bạn