Bỏ thuốc giữa chừng, bệnh có thể trở nặng

10-09-2023 14:01 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Bỏ thuốc giữa chừng hay không tuân thủ điều trị có thể làm bệnh không khỏi, nặng thêm và thậm chí khiến người bệnh tử vong…

Tuân thủ điều trị là sự hợp tác của người bệnh trong việc sử dụng thuốc theo đơn đã được kê bao gồm thời gian sử dụng thuốc, liều dùng và số lần dùng cùng với các lời khuyên khác nếu có…

Điều này rất quan trọng để điều trị nhiễm trùng một cách hiệu quả, kiểm soát các bệnh mạn tính hoặc đạt được mục tiêu giảm cân… Việc không tuân thủ sẽ dẫn đến điều trị thất bại, bệnh trở nặng hoặc thậm chí người bệnh có thể tử vong.

1. Hậu quả của không tuân thủ điều trị

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 125.000 người mắc các bệnh có thể điều trị được, tử vong mỗi năm tại Hoa Kỳ, do không dùng thuốc đúng cách và có tới 25% số ca nhập viện là do không tuân thủ điều trị.

Không dùng thuốc theo chỉ định có thể chiếm tới 50% thất bại trong điều trị. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy 1/3 số người ghép thận không dùng thuốc chống đào thải. Ước tính có khoảng 50% người mắc bệnh tim mạch và có các yếu tố nguy cơ, có khả năng tuân thủ kém với các loại thuốc được kê đơn... Lỗi này có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng khác.

Khi người bệnh không tuân thủ điều trị của nhân viên y tế có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác như: Bệnh không khỏi, nặng hơn, gây nhiều biến chứng, gây tốn kém về chi phí chăm sóc sức khỏe…, thậm chí tử vong.

photo-1694327975610

Không tuân thủ dùng thuốc khiến bệnh có thể trở nặng, thậm chí tử vong.

2. Nguyên nhân dẫn đến bỏ thuốc giữa chừng?

Theo WHO có một số nguyên nhân dưới đây có thể dẫn tới sự không tuân thủ điều trị:

2.1 Những bệnh phải dùng thuốc dài ngày

Đối với các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường… phải dùng thuốc liên tục hàng ngày, trong thời gian dài, thậm chí suốt cả cuộc đời, người bệnh rất dễ không tuân thủ điều trị. Nguyên nhân là khi các triệu chứng đã giảm, người bệnh nghĩ rằng sẽ không còn ảnh hưởng cho sức khỏe, nên bỏ thuốc. Tuy nhiên đây là một sai lầm, các triệu chứng đã giảm này vẫn là ‘kẻ giết người thầm lặng’.

Đối với ung thư, người bệnh nghĩ rằng mình đã mắc ‘án tử’, đằng nào cũng chết nên không tuân thủ hoặc từ chối điều trị.

Đối với một số người, nếu không tin rằng việc điều trị sẽ tạo ra sự khác biệt về sức khỏe, thì sẽ không có động lực để tuân thủ dùng thuốc. Điều này có thể dẫn đến sự thờ ơ về điều trị của người bệnh. Sự thiếu tin tưởng cũng có thể xảy ra khi người bệnh miễn cưỡng dùng thuốc, vì họ cho rằng mình đã tuân thủ các phương pháp điều trị trong quá khứ nhưng  không hiệu quả.

2.2 Loại trị liệu

Cũng giống như chẩn đoán, loại trị liệu có thể ảnh hưởng đến việc mọi người có tuân thủ điều trị hay không. Một nghiên cứu về sự tuân thủ của bệnh nhân cho thấy những người mắc bệnh ung thư lo lắng về tác dụng phụ khó chịu của hóa trị, xạ trị và các liệu pháp chăm sóc ung thư khác… Bất kỳ cảm giác tiêu cực nào về tác dụng phụ của thuốc, vết tiêm hoặc sự đau đớn khi vật lý trị liệu… có thể khiến người bệnh không tuân theo chỉ định của bác sĩ.

2.3 Lý do kinh tế

Một nghiên cứu trên 500 người điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường cho thấy, việc tuân thủ điều trị của người bệnh giảm đi, khi họ không đủ khả năng kinh tế. Nghiên cứu tương tự cho thấy rằng, mọi người có nhiều khả năng sẽ tuân thủ nếu thuốc và thực phẩm… có giá cả phải chăng.

Các yếu tố khác, chẳng hạn như trình độ học vấn cũng ảnh hưởng đến khả năng hiểu biết về tình trạng bệnh và kế hoạch điều trị. Ngay cả những vấn đề như sự kỳ thị của xã hội khi sống chung với HIV, cũng khiến một số người khó giữ đúng lịch hẹn và uống thuốc hơn.

2.4 Đặc điểm cá nhân của người bệnh

Một số người có vấn đề về nhận thức hoặc hành vi, khiến việc tuân thủ điều trị trở nên khó khăn hoặc phải hoàn toàn phụ thuộc vào người khác. Tuy nhiên ở một số người đơn giản chỉ là chống lại sự can thiệp điều trị.

Trong những trường hợp này, sự hỗ trợ của các nhóm chăm sóc, người thân… có thể tạo ra sự khác biệt trong khả năng tuân thủ điều trị của họ.

2.5 Thiếu hiểu biết về căn bệnh

Một số người có thể thừa nhận rằng họ mắc bệnh, nhưng không hiểu tác động của việc không điều trị bệnh đối với sức khỏe của họ. Điều này có thể là do chưa được giải thích rõ từ nhân viên y tế, hoặc người bệnh không muốn tìm hiểu… Hoặc cũng có thể do quá sợ hãi trước một chẩn đoán bệnh tật nghiêm trọng.

3. Giải pháp cải thiện sự tuân thủ điều trị của người bệnh

photo-1694327976857

Sử dụng hộp chia thuốc giúp người bệnh tuân thủ điều trị tốt hơn.

Tự nâng cao kiến thức: Nếu bạn không hiểu đầy đủ về kế hoạch điều trị của mình, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm thông tin về những gì bạn cần làm và lý do tại sao. Bạn cũng có thể tìm hiểu về bệnh và thuốc của mình bằng cách sử dụng các nguồn thông tin đáng tin cậy như CDC (Trung tâm kiểm soát phòng ngừa bệnh tật), các trang web bệnh viện, các trang thông tin y tế uy tín… và trao đổi với bác sĩ…

- Trao đổi với bác sĩ: Trao đổi những suy nghĩ và mối quan tâm của bạn với các bác sĩ để họ biết mong muốn của bạn, thậm chí về điều kiện kinh tế… để có thể ra quyết định điều trị phù hợp. Điều này sẽ giúp người bệnh tuân thủ dùng thuốc tốt hơn.

-Sử dụng các hộp đựng/chia thuốc: Có nhiều loại hộp đựng/chia thuốc giúp người bệnh không quên liều, giúp bạn dễ tuân thủ dùng thuốc hơn.

-Tái khám đúng hẹn với bác sĩ: Người bệnh cần tuân theo lịch tái khám của bác sĩ. Điều này có thể giúp bác sĩ đánh giá tình hình bệnh tật, tư vấn và điều chỉnh thuốc khi cần thiết…

Mời độc giả xem thêm:

“Lối sống lành mạnh, tuân thủ điều trị là “chìa khóa vàng” dự phòng đột quỵ”“Lối sống lành mạnh, tuân thủ điều trị là “chìa khóa vàng” dự phòng đột quỵ”

SKĐS - Đột quỵ là căn bệnh phổ biến và nguy hiểm ở Việt Nam, mỗi năm có tới 200.000 người bị đột quỵ. Đây là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở nước ta. Làm thế nào để phòng ngừa đột quỵ? ngoài những nguyên nhân gây đột quỵ được biết đến như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, bệnh lý mạch vành…, còn nguyên nhân nào khác gây ra đột quỵ cần lưu ý?


DS. Hoàng Thu
Ý kiến của bạn