Bỏ thu nhập nghìn đô để đi tìm công việc hạnh phúc

02-03-2019 11:13 | Thẩm mỹ

SKĐS - Nam Phương là một huấn luyện viên sức khỏe rất nổi tiếng trong cộng đồng Sống Xanh tại Đà Lạt.

18 tuổi, cô nhận Học bổng Hoàng tử Andrew, sau đó tốt nghiệp ĐH Staffordshire và làm Quản lý Quốc gia của Vonvon Inc. (Hàn Quốc). Một đường thẳng tiến với thu nhập rất cao, Phương chính là “con nhà người ta” trong mắt nhiều người. Mãi đến khi bố ra đi đột ngột mới khiến cô giật mình nhìn lại. Cô tưởng như đã có tất cả nhưng lại không hạnh phúc.

Bỏ việc, Phương chuyển về sống ở Đà Lạt, tiếp tục theo học và tốt nghiệp Học viện Integrative Nutrion (Hoa Kỳ) và trở thành Holistic Health Coach (Khai vấn viên Sức khoẻ toàn diện).

Ở Đà Lạt, cô có dịch vụ khai vấn sức khỏe. Khách hàng rất đông. Trang cá nhân của cô có tới 19 ngàn lượt theo dõi. Song, cô thông báo không nhận quảng cáo, PR cho các nhãn hàng, không nhận hoa hồng giới thiệu sản phẩm. Cô cam kết sử dụng phần lớn sức lực cho những nội dung miễn phí và 20% cho các công việc duy trì thu nhập, 10% sẽ được dành cho từ thiện và phúc lợi.

Trên youtube, cô có trang “Chầm chậm mà sống” với chủ trương sống chậm ăn lành, tiêu dùng bền vững.

Cô gái nổi tiếng ở Đà Lạt với phương châm sống chậm ăn lành.

Cô gái nổi tiếng ở Đà Lạt với phương châm sống chậm ăn lành.

Cách đổ tình yêu vào món ăn quan trọng hơn món ăn đó là gì

Một bậc thầy yoga Didi Miira (sinh năm 1986) là người ảnh hưởng sâu sắc đến triết lý về ẩm thực của Nam Phương. Cô kể, khi mới tìm hiểu dinh dưỡng thường bị bám vào lý thuyết ăn như thế nào, làm sao để cân bằng âm dương. Quan sát, Nam Phương phát hiện ra Didi vẫn dùng chủ yếu là rau củ quả, nhưng trong khi nấu nướng, dường như cô đổ cả tình yêu vào món ăn. “Hiếm có người nấu đạt đến trạng thái tĩnh lặng như vậy, chỉ có mình và món ăn. Khi đó, tôi hiểu ra rằng, cách nấu, cách đổ yêu thương vào món ăn quan trọng hơn món ăn đó là gì”, Nam Phương chia sẻ.

Người nghèo có thể chia sẻ cái gì?

Nipun Mehta - một tình nguyện viên người Ấn Độ đã sống, thực hành và lan tỏa tinh thần trao tặng trên khắp thế giới là một người quan trọng nữa với Nam Phương. Trong câu chuyện về chia sẻ, có nhiều người hỏi, nếu mình nghèo mình biết chia sẻ cái gì? Câu trả lời của Nipun là điều mà Phương muốn: bạn có thể trao tặng thời gian, sự hiện diện, lòng yêu thương và cả điều đơn giản nhất là sự chú ý cũng là một món quà. Bởi vì bây giờ chúng ta không chú ý thế giới xung quanh, chúng ta dùng di động, chúng ta quá bận rộn với những kế hoạch và deadline. Thế nên sự hiện diện và sự chú ý toàn vẹn của mình đã là tài sản quý hiếm rồi và không phải ai cũng có. Phương kể, cô cũng phải tập một thời gian mới hoàn toàn chú ý đến khách hàng. Trước đó, trong những câu chuyện khai vấn, cô thường bị bận tâm vì ý nghĩ mình phải đáp ra sao, cho lời khuyên gì, tìm giải pháp như thế nào? Khai vấn cho nhiều người, cô rút ra kết luận: đôi khi khách không cần giải pháp, họ chỉ cần lắng nghe bởi trong cuộc sống không ai lắng nghe họ với sự hiện diện hoàn toàn hoặc là không đánh giá.

Học phí không nhất thiết là tiền

Cũng trong quá trình làm việc, Phương nhận ra tiền tệ không phải là thứ định giá và trao đổi tối ưu. Bởi đôi khi sự định giá của hai bên: người mua và người bán không giống nhau khiến cả hai đều khó chịu. Cô quay sang phương án: chấp nhận khách hàng có thể trả bằng tiền hoặc bất cứ thứ gì phi tiền tệ như sản phẩm, dịch vụ... Sau đó, có mấy khách chọn cách trao đổi như vậy, đến giờ vẫn là bạn đang giúp cô dịch tài liệu về sức khỏe, có người tặng cô nông sản mà họ trồng... Mọi thứ diễn ra rất đẹp và cả hai bên đều vui.

Đây cũng là cách mà cô khởi động trang youtube “Chầm chậm mà sống”. Lúc đó, trang cá nhân của cô mới có gần 4.000 lượt theo dõi. Cô đăng tin tìm người đồng hành với điều kiện không trả bằng tiền mà bằng những gì cô đang có như: hỗ trợ ăn ở trên Đà Lạt, làm huấn luyện viên miễn phí, chia sẻ các khóa đào tạo... Điều đáng ngạc nhiên là số người chia sẻ rất đông và có rất nhiều người đăng ký làm việc mà không hỏi đến tiền và lợi ích. Bài học về tinh thần trao tặng không chờ đợi đáp trả, vô vụ lợi khiến Nam Phương thấu triệt hơn khái niệm về giàu có và lợi nhuận.

Hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh

Chị Châu - thợ bánh ở Đà Lạt là người truyền cảm hứng về hạnh phúc cho Nam Phương. Cô kể: Tôi đã hỏi nhiều người một câu giống nhau: Anh (chị) cảm thấy hạnh phúc nhất khi nào? Người bảo hiện tại, người bảo lúc nhỏ, người bảo khi là sinh viên... Chị Châu là người duy nhất trả lời lúc nào cũng thấy hạnh phúc. Hỏi tại sao, chị bảo: Khi may mắn chị thấy hạnh phúc, nhưng khi không thuận lợi chị biết rồi nó sẽ qua và sự không thuận lợi ấy dạy chị biết trân trọng khoảng thời gian may mắn. Ở Đà Lạt, món bánh của chị Châu rất nổi tiếng. Bản thân Nam Phương lâu lâu phải ghé tiệm bánh để thấy nụ cười của chị, nghe chị kể về khách của mình như những người thú vị và không bao giờ cô thấy chị phàn nàn kể cả với những khách mà ai cũng cho là khó chịu.

Thầy dạy thiền của Phương cũng dạy cô những bài học lớn về hạnh phúc. Khi cô phàn nàn không thiền được vì hàng xóm quá ồn, vì tiếng karaoke quá to, thầy bảo: Con ạ, không ai có thể làm hại con nếu con không cho phép. Thầy chỉ ra ngoài bảo hàng xóm của thầy cũng hát karaoke, con gà gáy suốt ngày... nhưng mà thầy không thấy bực mình, không nhất thiết phải phản ứng với những tác nhân như vậy. Sau đó, cô bắt đầu học cách tìm được tĩnh lặng hàng ngày không phụ thuộc môi trường bên ngoài.

Tiền cầu đủ, không cầu nhiều

Anh Tuộc là người yêu của Phương, có công ty riêng nhưng đã dẹp. Anh tuyên bố, không liều mạng kiếm tiền nữa bởi cái mình có và cái mình hưởng là hai cái hoàn toàn khác nhau. Khi còn quản lý công ty, 1 ngày anh ngồi trước máy tính mười mấy giờ đồng hồ, làm ra nhiều thứ nhưng không bao giờ hưởng được những thứ mình đang sở hữu. Ngôi nhà của họ là ngôi nhà tái chế lọt thỏm trong rừng thông, giữa hai mảnh đất rất rộng thuộc sở hữu của người khác. Ngôi nhà ấy làm hoàn toàn từ vật liệu cũ, trong nhà không có đồ đạc gì quý giá. Bàn ghế do người chủ nghèo để lại, 2 người gần như không mua sắm gì mới, bếp gas cũng mua ở hàng đồ cũ.

Trong một mùa hè, có 2 người bạn nước ngoài là Jonathan và Nora đến xin ở nhờ. 2 người này đã đi khắp thế giới để làm việc trong các trang trại. Phương với anh Tuộc mời họ ở lại cùng trồng rau, làm vườn. Suốt 1 tuần, bạn nam cuốc đất, bạn gái cùng Phương móc từng cái túi nilon chôn trong đất mà khu vườn ươm trước đó để lại. Trong khoảng 40 mét vuông đất, 2 người móc được 2 sọt đầy có ngọn toàn nilon năm nọ chồng năm kia. Khi đi, Jonathan và Nora tặng lại một cái xe máy cũ, giờ cái xe ấy vẫn để hững hờ ở sân, để ai cần thì dùng.

Khi buồn thì làm việc chân tay

Sau khi bố mất, Nam Phương có một thời gian dài chìm đắm trong u uất dù cô ăn uống rất đầy đủ, lành mạnh thì cơ thể vẫn yếu ớt, gày gò và thiếu sức sống. Mùa hè, Phương đăng ký tham gia một dự án đắp nhà đất cho trẻ em chơi ở Hội An. Đây là một dự án phi lợi nhuận, dùng đất, bùn, tre, mái lợp bằng một loại lá tại địa phương để dựng nhà. Nhiều bạn trẻ đến từ khắp nơi cùng tham gia. Sáng, cả nhóm cùng nhau tắm biển, mặt trời lên thì đắp nhà, đêm rảnh lại ra biển nô đùa. Quá trình làm việc có nhiều công đoạn rất chán, như cầm chày đập đất tới lui hoặc giẫm bùn cả buổi. Những người trẻ 20 tuổi bật nhạc quẩy và biến công việc nhàm chán thành một cuộc vui. Sau 2 tuần, cơ thể Phương phục hồi, khỏe mạnh, tinh thần vô tư. Sau này, nhiều bạn trẻ tâm sự với cô: Em cảm thấy yếu lắm, lạc lối lắm, Phương đều khuyên: Em đi lao động cho chị, trồng cây, cuốc đất hoặc làm việc nhà. Chỉ cần khoảng thời gian buông đi những vướng bận, làm việc khác không đòi hỏi suy nghĩ quá nhiều, cơ thể sẽ được giải phóng.

Health Coach (Huấn luyện viên sức khỏe) là nhà chuyên môn về chuyển hoá sức khoẻ con người thông qua các chiến lược dinh dưỡng và lối sống. Thay vì chỉ định dùng thuốc, chế độ ăn kiêng hay cách tập thể dục cố định, Health Coach thiết kế và cá nhân hoá lộ trình sức khoẻ để phù hợp với nhu cầu mỗi người. Health Coach tiếp cận Sức khoẻ một cách toàn diện. Bên cạnh việc sử dụng thực phẩm tự nhiên, Health Coach còn chú trọng giúp mọi người cân bằng quan hệ, sự nghiệp, vận động, tâm linh... để đạt được cân bằng thực sự trong cuộc sống.


Đạt Nhi
Ý kiến của bạn