Thăm hỏi người bệnh tại Bệnh viện không chỉ là thói quen mà còn là nét văn hóa của người Việt, thể hiện sự quan tâm, động viên, chia sẻ với gia đình và bản thân người bệnh. Đối với các sản phụ sau sinh, việc thăm hỏi này còn là hình thức để chia vui, chúc mừng người mẹ và em bé đã bình an trải qua cuộc “vượt cạn” vất vả.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp với việc ghi nhận thêm nhiều ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng những ngày qua, các chuyên gia y tế cho rằng cần ngay lập tức có các biện pháp bảo vệ các cơ sở y tế vì đây là những cơ sở trọng điểm trong cuộc chiến với dịch bệnh. Một trong những giải pháp được đề cập là cần thay đổi triệt để thói quen thăm người bệnh tại Bệnh viện.
Là bệnh viện chuyên sâu trong lĩnh vực Sản - Phụ khoa và Nhi khoa, hằng ngày, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ thực hiện điều trị nội trú cho khoảng 400 bệnh nhân. Trong đó số lượng bệnh nhân tập trung nhiều tại các khoa sản, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Khoa Hô hấp, Khoa Sơ sinh, Bệnh Nhiệt đới...
TS.BS Phạm Thái Hạ - Giám đốc Bệnh viện cho biết: Để chủ động phòng chống dịch bệnh COVID-19, theo tình thần chỉ đạo mới nhất của Bộ Y tế tại Công văn số 3775/BYT-KCB về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp độ Bộ Y tế ban hành ngày 16/7/2020 - đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh này đang có những diễn biến căng thẳng, Bệnh viện tạm dừng hoạt động thăm người bệnh, thực hiện chế độ 1 người thân chăm sóc – tức là mỗi người bệnh chỉ có một người nhà đi cùng chăm sóc đồng thời hạn chế tối đa việc thay người đi chăm trong suốt quá trình điều trị.
Bệnh viện cũng triển khai chăm sóc toàn diện cho toàn bộ người bệnh chăm sóc cấp I tại các khoa, nhất là tại khoa hồi sức tích cực, khoa cấp cứu, khoa hô hấp, hạn chế việc yêu cầu người nhà người bệnh cùng chăm sóc.
“Trước đây, khi dịch bệnh chưa xảy ra, các bệnh viện nói chung đều rất thoải mái trong việc để người nhà, người thân đến thăm bệnh nhân vì đó là thói quen, là cách thể hiện tình cảm rất thông thường của người Việt.
Tuy nhiên, bối cảnh xã hội hiện nay đã khác trước nên thói quen này cần thay đổi triệt để để đảm bảo an toàn cho cả người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng, tránh nguy cơ dịch lây lan nhanh” - BS. Hạ cho biết thêm.
Quy định hạn chế tối đa số lượng người thăm nuôi tại Bệnh viện khi được đưa vào thực hiện cũng gặp phải sự phản ứng của không ít người nhà bệnh nhân do tâm lý lo lắng, sốt ruột muốn gặp và hỗ trợ chăm sóc người bệnh. Tuy nhiên khi được các nhân viên y tế của Bệnh viện giải thích, tư vấn cụ thể, hầu hết người nhà người bệnh đều hiểu và nghiêm túc chấp hành theo quy định.
Thăm trẻ tại bệnh viện - Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Chia sẻ về những nguy cơ có thể xảy ra nếu thói quen thăm người bệnh tại Bệnh viện không được thay đổi, BSCKII. Nguyễn Tiến Công – Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Sản 2 cho biết: Việc có quá nhiều người đến thăm nom tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cả sản phụ và trẻ sơ sinh, nhất là nguy cơ nhiễm khuẩn, lây lan dịch bệnh.
Chưa kể, Bệnh viện là địa điểm đặc biệt để chữa trị cho những người bị bệnh và đây cũng là nơi dễ xảy ra các lây nhiễm. Việc lây nhiễm này sẽ càng nghiêm trọng nếu nguồn lây bệnh được phát tán ra bên ngoài từ những người thăm nom bệnh nhân. Các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng liên quan đến việc đi chăm người thân ốm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương những ngày qua chính là một ví dụ điển hình.
Mỗi người bệnh chỉ có một người nhà đi cùng chăm sóc đồng thời hạn chế tối đa việc thay người đi chăm trong suốt quá trình điều trị.
Đối với các trẻ sơ sinh, do hệ thống miễn dịch còn non yếu nên rất dễ lây bệnh, trong khi việc chẩn đoán và điều trị lại khó khăn, việc thăm trẻ sơ sinh kèm nhiều hành động không an toàn như tiếp xúc gần, ôm, hôn môi em bé rất dễ lây bệnh nguy hiểm. Thực tế đã có trường hợp bé tử vong vì nụ hôn của người đến thăm do mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Do đó, BS. Công khuyến cáo, với trẻ sơ sinh nên hạn chế người đến thăm, đảm bảo thân nhiệt, dinh dưỡng, đảm bảo vô khuẩn, cần cho trẻ nằm với mẹ trong phòng ấm, sạch sẽ, ăn sữa mẹ hoàn toàn; chăm sóc tốt mắt, da, rốn cẩn thận, theo dõi các dấu hiệu về màu da, nhịp thở, nhịp tim, ăn uống và vệ sinh... phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm để xử trí kịp thời.
Tuyệt đối không nên cho trẻ tiếp xúc với người bệnh, vật nuôi; tiếp xúc quá gần với người lạ như thơm má, môi trẻ; tránh cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời hoặc đặt trẻ trên nền lạnh.