Chính phủ đồng ý bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức
Mới đây, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang liên quan đến việc rà soát các văn bản, đề án do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng năm 2023 có nội dung về thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Cụ thể, văn bản nêu rõ, về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Bộ Nội vụ rà soát, tiếp thu ý kiến bộ, ngành, địa phương, chỉnh lý dự thảo Nghị định, bảo đảm thực hiện thống nhất quy định xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và bảo đảm quyền lợi, lợi ích của đội ngũ viên chức hoạt động chuyên ngành, tránh phát sinh vướng mắc khi thực hiện, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Trước đó, hơn 4.100 giáo viên thuộc nhiều cấp học trên địa bàn TP.Hà Nội đang làm hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng III lên hạng II đã gửi tâm thư đến Giám đốc Sở Nội vụ TP.Hà Nội.
Trong nội dung kiến nghị, giáo viên bày tỏ mong muốn bỏ hình thức thi mà chỉ sử dụng xét thăng hạng. Lý do là vì thành tích của những giáo viên đã được khẳng định trong thực tiễn công tác và đạt nhiều danh hiệu giáo viên giỏi... Việc thi thăng hạng không công bằng giữa giáo viên lớn tuổi và giáo viên trẻ, cũng như giữa các tỉnh thành với nhau.
Giáo viên vui mừng
Chia sẻ với PV báo Sức khỏe&Đời sống sau khi nhận thông tin chủ trương sẽ bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, thầy Nguyễn Văn Đường - giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) vui mừng cho biết: "Thay mặt 4.168 thầy cô đang làm hồ sơ, có nguyện vọng xét thăng hạng, chúng tôi xin được cảm ơn Chính phủ, cảm ơn hai Bộ trưởng. Đặc biệt, xin được cảm ơn lãnh đạo thành phố Hà Nội đã quan tâm, chia sẻ và động viên nhà giáo chúng tôi trước thềm năm học mới".
Theo thầy Đường, việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà dùng phương án xét là hợp lý, hợp với chủ trương chung của Chính phủ, Bộ GD&ĐT và nguyện vọng tha thiết của hàng nghìn giáo viên thủ đô nói riêng và giáo viên cả nước nói chung.
Xét thăng hạng sẽ đánh giá đúng hơn về năng lực của giáo viên trong quá trình công tác, cũng sẽ khích lệ lớp giáo viên trẻ có động lực để phấn đấu, cống hiến. Họ sẽ là những giáo viên giỏi thành phố, những chiến sĩ thi đua sau này. Hơn thế nữa, xét thăng hạng còn là sự quan tâm, động viên, ghi nhận của lãnh đạo thành phố đối với đội ngũ giáo viên có nhiều thành tích, cống hiến, gắn bó với ngành giáo dục.
Cô Nguyễn Thị Quý (Trường tiểu học Hương Ngải, Thạch Thất) cho rằng, nếu Sở Nội Vụ Hà Nội chỉ chọn phương án xét thăng hạng giáo viên thì đó là một sự quam tâm đến tâm tư nguyện vọng của các giáo viên. "Nếu được xét thăng hạng giáo viên chúng tôi có thời gian nghiên cứu bài giảng đầu tư cho việc giảng dạy, nâng cao được hiệu quả giáo dục mà không bị phân tâm vào việc ôn thi thăng hạng. Từ đó hiệu quả giáo dục được nâng lên".
Đề xuất không thi thăng hạng là quyết định rất đúng đắn - cô Đỗ Quỳnh Hoa (Trường THPT Mỹ Đức) chia sẻ. "Tôi hiểu, khi tôi được thăng hạng mà không phải thi, tức là tôi đã được Nhà nước ghi nhận quá trình cống hiến, phấn đấu của mình cho ngành giáo dục. Đó là sự khuyến khích, động viên giáo viên chúng tôi về cả tinh thần và vật chất, tạo động lực cho chúng tôi tích cực phấn đấu và cống hiến hơn nữa cho ngành giáo dục".
Theo cô Hoa, khi xét thăng hạng cũng cần đưa ra tiêu chí rõ ràng, công bằng, dân chủ, thể hiện tính nhân văn, phù hợp với ngành để tránh thiệt thòi cho những giáo viên đã có nhiều năm cống hiến, có nhiều thành tích xuất sắc trong ngành giáo dục, đồng thời cũng là mục tiêu, động lực cho giáo viên trẻ phấn đấu.
Cô Trần Việt Hồng (Trường THPT Xuân Mai) mong Đảng, Nhà nước và các ban ngành liên quan coi việc thăng hạng cho giáo viên là động viên về vật chất để thầy cô hăng hái thi đua dạy tốt, tạo ra các sản phẩm giáo dục chất lượng ngày càng cao và thầy cô yên tâm bám nghề.
"Việc tổ chức thi sẽ làm lãng phí trí lực và vật lực trong khi đang bộn bề cho việc chuẩn năm học mới, và đặc biệt là đang triển khai chương trình GDPT mới. Do vậy, việc xét thăng hạng thay cho thi là cần thiết để chúng tôi phấn khởi bắt đầu năm học mới và yên tâm dạy học để chất lượng giáo dục của Thủ đô chúng ta ngày càng được cải thiện".
Ngoài ra, nhiều thầy cô khác cũng cảm thấy vui và phấn khởi khi nhận được thông tin này. Các thầy cô mong Sở Nội vụ Hà Nội sớm có quyết định làm sao đảm bảo cho giáo viên không bị thiệt thòi so với giáo viên của các tỉnh khác, giữa giáo viên trẻ với giáo viên lâu năm.
Trao đổi với báo chí chiều 17/8, ông Trần Đình Cảnh - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, sau khi nhận được tâm thư của gần 2.500 giáo viên, Sở Nội vụ đã trao đổi với Sở GD&ĐT Hà Nội, đồng thời căn cứ theo quy định cũng như tình hình thực tế của Hà Nội để có những đề xuất phù hợp.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cũng cho biết, việc tổ chức xét hay thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. UBND thành phố đã phân cấp cho Sở Nội vụ chủ trì thực hiện nhiệm vụ này. Song do diễn biến của dịch COVID-19, nên trong 3 năm qua, Hà Nội không tổ chức thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Đến nay, Hà Nội có khoảng 30.000 hồ sơ của giáo viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn thăng hạng. Với số lượng hồ sơ lớn, việc chấm hồ sơ phải huy động đội ngũ giám khảo có năng lực chuyên môn, thời gian kéo dài, tốn kém cho phí và khả năng khó thực hiện.
Hiện nay, do chưa có số liệu chính thức hồ sơ đăng ký nên phương án thi hay xét thăng hạng chưa được Sở Nội vụ quyết định và chưa đề xuất cụ thể. Sau khi có danh sách chính thức vào ngày 30/9, dự kiến trong tháng 10, Sở Nội vụ Hà Nội sẽ xây dựng đề án trình UBND thành phố, trong đó nêu rõ thi hay xét thăng hạng. Trong tháng 11, UBND thành phố xin ý kiến Bộ Nội vụ, nếu đồng ý thì UBND thành phố phê duyệt đề án và dự kiến tổ chức thi hoặc xét chậm nhất trong tháng 12/2023.