Hà Nội

Bò thả rông nghênh ngang giữa phố: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

25-02-2024 15:33 | Xã hội
google news

SKĐS - Lãnh đạo UBND TP. Huế (Thừa Thiên Huế) cho biết, việc bò thả rông gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị, người đứng đầu xã, phường phải chịu trách nhiệm.

Liên quan đến thực trạng bò thả rông ở TP. Huế, lãnh đạo Trung tâm Công viên cây xanh Huế thông tin, bò thả rông trước đây xuất hiện tại một số khu vực ở các địa phương như phường Kim Long, An Cựu, An Tây và Hương Sơ gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, đô thị.

"UBND thành phố đã chỉ đạo cụ thể về vấn đề này. Bò thả rông gây ảnh hưởng an toàn giao thông, phá hoại cây xanh, phóng uế gây nhếch nhác mất mỹ quan đô thị, do đó cần truyên truyền người dân, ngăn chặn xử lý kịp thời", lãnh đạo Trung tâm Công viên cây xanh Huế chia sẻ.

Bò thả rông nghênh ngang giữa phố: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm- Ảnh 1.

Bò thả rông nghênh ngang trước cổng UBND phường An Tây, TP. Huế.

Ông Trần Song, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế cho biết, có rất nhiều văn bản chỉ đạo và giao trách nhiệm trực tiếp cho người đứng đầu phường, xã chịu trách nhiệm trên địa bàn quản lý về vấn đề trâu, bò thả rông.

"Thành phố xây dựng một vị trí nhốt bò tại Ban Chỉ huy quân sự, tạo mọi điều kiện để trong trường hợp các địa phương phát hiện bò thả rông, vô chủ hoặc chưa xác định được chủ có thể đưa lên đó nhốt lại chờ xử lý. Trong trường hợp không thực hiện được, người đứng đầu là Chủ tịch hoặc Bí thư phường, xã phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố", ông Trần Song nói.

Luật sư Võ Thị Tuệ Minh, Giám đốc Công ty luật hợp danh An Doanh (thuộc đoàn luật sư Thừa Thiên Huế) cho rằng, tình trạng người dân thả rông động vật (trâu, bò) gây mất mỹ quan đô thị, làm cản trở các phương tiện tham gia giao thông. Thậm chí, động vật thả rông còn vô tình gây ra các vụ tai nạn giao thông cho người đi đường.

Bò thả rông nghênh ngang giữa phố: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm- Ảnh 2.

Luật sư Võ Thị Tuệ Minh, Giám đốc Công ty luật hợp danh An Doanh.

"Hành vi thả rông động vật trên đường bộ là hành vi vi phạm quy đinh về an toàn giao thông đường bộ, tùy tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại trách nhiệm dân sự", Luật sư Võ Thị Tuệ Minh nói.

Theo Luật sư Minh, về xử lý hành chính, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mức xử phạt liên quan đến dẫn dắt, thả rông động vật trên đường bộ từ 60.000 đồng – 100.000 đồng.

Nếu trong trường hợp chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu, sử dụng, chăn thả gia súc, dẫn dắt gia súc hoặc thả rông gia súc đi trên đường không phù hợp quy định pháp luật dẫn đến gây tai nạn làm chết người thì chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu, sử dụng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với "Tội Vô ý làm chết người".

Nếu hậu quả xảy ra làm chết một người, người đó bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm; nếu phạm tội làm chết 2 người trở lên bị phạt tù từ 3-10 năm.

Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại, căn cứ theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015. Tùy vào đối tượng bị xâm phạm là tài sản, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm hay tính mạng để xác định thiệt hại liên quan phải bồi thường được quy định từ Điều 589 đến Điều 592, Bộ luật Dân sự 2015 nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người bị xâm phạm.

Bò thả rông nghênh ngang giữa phố: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm- Ảnh 3.

Bò thả rông nghênh ngang giữa đường Võ Văn Kiệt, TP. Huế.

Như Báo Sức khỏe & Đời sống phản ánh, theo ghi nhận chiều 22/2, tại tuyến đường Võ Văn Kiệt (phường An Tây, TP. Huế) tuyến đường có lưu lượng phương tiện đi lại rất đông, đặc biệt giờ cao điểm, một đàn bò 11 con đang tự do gặm cỏ ở ngay giữa dải phân cách, lòng và hai bên lề đường.

Anh P.V.Đ. (29 tuổi) thường xuyên chứng kiến cảnh bò thả rông đi nghênh ngang giữa lòng đường và dải phân cách. "Đang vội đưa con đến trường vào sáng sớm thì bất ngờ phải phanh gấp do gặp đàn bò từ khu vực dải phân cách lao ra giữa đường. Thực trạng này không phải ngày một, ngày hai mà diễn ra thường xuyên, nhiều lúc rất bực mình nhưng cũng phải chấp nhận", anh Đ. nói.

Anh N.Đ.Q. (32 tuổi, trú phường An Tây) cho rằng, thực trạng đàn bò thả rông trên tuyến đường Võ Văn Kiệt lặp đi, lặp lại nhiều lần. Được biết, chính quyền địa phương có mời chủ bò lên để nhắc nhở, xử lý nhưng đâu rồi lại vào đấy, vẫn cứ xảy ra.

"Bò thả rông như vậy rất nguy hiểm khi tuyến đường có đủ loại phương tiện giao thông, không may có thể va chạm, té ngã gây hậu quả nghiêm trọng", anh Q. nói.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, lãnh đạo UBND phường An Tây cho biết, thực trạng bò thả rông ở đường Võ Văn Kiệt phường đã xử lý rất nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục tái diễn. "Tuần sau, chúng tôi sẽ tiến hành làm việc với các hộ dân vi phạm để yêu cầu chấm dứt tình trạng này, đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị", lãnh đạo UBND phường An Tây nói.

Chính quyền nói gì về việc bò thả rông trên đường Võ Nguyên Giáp?Chính quyền nói gì về việc bò thả rông trên đường Võ Nguyên Giáp?

SKĐS - Liên quan đến vấn đề bò tự do đi lại trên đường Võ Nguyên Giáp gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông được phản ánh trên Báo Sức khỏe & Đời sống ngày 24/10, chính quyền sở tại đã trả lời về vấn đề này.


Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn