Đến khám tại Bệnh viện Mắt Kỹ thuật cao Hà Nội (HITEC), bệnh nhân V.V.A, 50 tuổi ở Long Biên, Hà Nội được chẩn đoán: Mắt phải đục thủy tinh thể hoàn toàn/Glocom góc đóng nhãn áp bán điều chỉnh; Mắt trái: Glocom đã mổ, nhãn áp điều chỉnh, lõm teo gai toàn bộ.
ThS.BS. Nguyễn Thị Minh Ngọc, Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội (HITEC) chia sẻ: "anh V., được chẩn đoán Glocom góc đóng 2 mắt, đã phẫu thuật cách đây 2 năm. Đến nay, thấy mắt mờ nhiều bệnh nhân mới đi khám lại. Mặc dù, trước đó bác sỹ đã hướng dẫn bệnh nhân cần tuân thủ chế độ đến khám định kỳ. Thật tiếc là anh không đi tái khám theo hẹn! Giờ đây, cơ hội chỉ còn lại ở mắt phải – "mắt độc nhất" vì mắt trái thần kinh thị giác đã bị "hỏng", không thể hồi phục… do nhãn áp không được kiểm soát tốt. Đó thật sự là một điều đáng tiếc với một người đàn ông còn đang trong độ tuổi lao động"!

Tại Hitec, Bệnh nhân V.V.A., được chụp cắt lớp võng mạc để đánh giá tổn thương gai thị.
Glocom và đục thủy tinh thể có liên quan gì đến nhau?
Theo các chuyên gia nhãn khoa Glocom và đục thủy tinh thể là hai nguyên nhân gây mù lòa đầu tiên ở người lớn tuổi, đôi khi có những bệnh nhân mắc cả 2 bệnh này đồng thời. Hai bệnh lý tuy khác nhau này lại có những mối liên quan đến nhau theo một số cách:
- Glocom không trực tiếp gây ra đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, một số phương pháp điều trị Glocom, như thuốc nhỏ mắt hoặc phẫu thuật điều trị glocom (cắt bè củng mạc hoặc đặt ống dẫn lưu), có nguy cơ làm tăng tốc độ phát triển của đục thủy tinh thể ở một số người.
- Đục thủy tinh thể thường không trực tiếp gây ra Glocom góc mở. Tuy nhiên, trong Glocom góc đóng, thủy tinh thể bị đục, dày lên làm hẹp góc tiền phòng, hạn chế lưu thông của thủy dịch dẫn đến tăng nhãn áp. Ngoài ra, đục thủy tinh thể quá chín cũng có thể gây Glocom thứ phát.

Mắt phải của bệnh nhân V.V.A., có nhân mắt đục hoàn toàn.
Glocom đơn thuần được điều trị như thế nào?
- Thuốc nhỏ mắt: là phương pháp điều trị bắt đầu
- Thuốc uống: thường là các thuốc ức chế carbonic anhydrase hoặc beta-blockers, tuy nhiên các thuốc này không được chỉ định dùng kéo dài.
- Laser là một trong phương án điều trị can thiệp tiếp theo đó giúp tăng cường sự lưu thông thủy dịch: Laser cắt mống mắt chu biên (Peripheral Iridotomy) trong Glocom góc đóng hoặc Laser tạo hình vùng bè (Trabeculoplasty) thường được chỉ định cho Glocom góc mở, giúp cải thiện chức năng vùng bè củng giác mạc.
- Laser quang đông thể mi (Cyclophotocoagulation): chỉ định trong các trường hợp Glocom nặng, giai đoạn trầm trọng hoặc gần mù giúp giảm bài tiết thủy dịch do tác động lên thể mi.
- Phẫu thuật là phương án sau cùng, được cân nhắc khi thuốc và laser không kiểm soát được nhãn áp: Cắt bè củng mạc (Trabeculectomy) tạo lỗ rò, hình thành một sẹo bọng thoát dịch từ tiền phòng ra khoang dưới kết mạc; Phẫu thuật đặt ống dẫn lưu thủy dịch (Tube Shunt Surgery) từ tiền phòng ra khoang dưới kết mạc; Phẫu thuật glocom xâm lấn tối thiểu (MIGS): Bao gồm nhiều thủ thuật khác nhau sử dụng các thiết bị nhỏ để tăng cường dẫn lưu thủy dịch với mức độ xâm lấn ít hơn so với các phẫu thuật truyền thống.
Phẫu thuật lấy thủy tinh thể (Phacoemulsification) là một lựa chọn để cải thiện thị lực ở bệnh nhân Glocom có đục thủy tinh thể
- Hạ nhãn áp: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phẫu thuật Phaco đơn thuần có thể giúp giảm nhãn áp ở cả mắt có và không có glocom, đặc biệt ở những mắt glocom góc đóng.
- Cơ chế hạ nhãn áp chính là do tăng độ sâu và mở rộng góc tiền phòng từ việc loại bỏ thủy tinh thể, giúp cải thiện lưu thông thủy dịch qua vùng bè.
- Tuy nhiên, các chuyên gia nhãn khoa nhấn mạnh không phải lúc nào phaco lấy thủy tinh thể cũng đủ để kiểm soát Glocom, vì vậy người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ để có thể được sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc các phương pháp điều trị bổ sung khác để điều chỉnh nhãn áp về mức an toàn.

ThS.BS. Nguyễn Thị Minh Ngọc: "Thật tiếc là anh không đi tái khám theo hẹn".
Chuyên gia mắt Hitec khuyến cáo gì?
Theo các chuyên gia của Bệnh viện Mắt HITEC, người bệnh Glocom, dù được điều trị bằng phương pháp nào thì việc tái khám định kỳ là vô cùng quan trọng để theo dõi tiến triển, hiệu quả điều trị và phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra.
Tần suất tái khám sẽ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng, hình thái Glocom, mức độ điều chỉnh nhãn áp và phương pháp điều trị đang được áp dụng. Tuy nhiên, có một số nguyên tắc chung như sau:
- Glocom mới chẩn đoán hoặc mới thay đổi phương án điều trị: tái khám thường xuyên, 2 - 4 tuần/lần để đánh giá đáp ứng với điều trị.
- Glocom ổn định: Khi nhãn áp đã được kiểm soát tốt và bệnh không có dấu hiệu tiến triển, tần suất tái khám có thể giãn ra, mỗi 3 - 6 tháng một lần.
- Glocom sau phẫu thuật: tái khám thường xuyên, sau 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng... Sau đó, nếu ổn định, có thể tái khám thưa hơn.
- Glocom giai đoạn nặng hoặc nhãn áp không ổn định: tái khám theo lịch hẹn đặc biệt của bác sỹ dành cho mỗi bệnh nhân cụ thể.

Người bệnh được nhân viên Hitec hướng dẫn làm thủ tục khám mắt.
5 điều nằm lòng cho người bệnh Glocom
1. Đã mổ Glocom, dù thấy ổn vẫn cần tái khám định kỳ! Bỏ tái khám có thể chuốc lấy hậu quả khôn lường!
2. Glocom không thể "chữa khỏi" mà chỉ là kiểm soát nhãn áp ổn định ở mức an toàn, không gây tổn hại thị thần kinh.
3. Sau mổ cắt bè, nhãn áp có thể chỉ bán điều chỉnh/không điều chỉnh và thay đổi theo thời gian. Bệnh nhân cần được tiếp tục theo dõi để bổ sung phương án điều trị kịp thời, đảm bảo an toàn cho mắt.
4. Nhãn áp không được kiểm soát tốt, có thể dẫn đến tổn thương thần kinh thị giác âm thầm, gây mất thị lực vĩnh viễn mà bạn chỉ nhận ra cho đến khi quá muộn.
5. Đừng chủ quan! Tái khám Glocom là chìa khóa bảo tồn thị lực.
Hãy đặt lịch hẹn khám mắt ngay hôm nay để đảm bảo mắt bạn vẫn đang được kiểm soát tốt sau phẫu thuật glocom
Đăng ký khám qua hotline: 0984 122 153; Qua Website: https://benhvienmat.vn Hoặc qua Youtube: https://www.youtube.com/@hethongbenhvienmathitec/videos
Bệnh nhân sẽ được khám và điều trị tại các cơ sở:
Cơ sở 1: Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội (HITEC): 51-53-55 Trần Nhân Tông, Nguyễn Du, Q. Hai Bà Trưng, TP Hà Nội
Cơ sở 2: Bệnh viện chuyên khoa Mắt HITEC: 55 Hàm Long, Hàng Bài, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội
Cơ sở 3: Phòng khám mắt kỹ thuật cao: 480 Thụy Khuê, Phường Bưởi, Q. Tây Hồ, TP Hà Nội
Cơ sở 4: Trung tâm mắt kỹ thuật cao Sài Gòn: 28 Đống Đa, Phường 2, Q. Tân Bình, TP HCM.
Bích Mận