Biết về người đàn ông có đam mê thu thập tư liệu cũ về quê hương Quảng Bình với "gia tài" đồ sộ gồm hơn 50.000 tư liệu quý qua lời kể của người đồng nghiệp. Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã tìm về xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới để tìm gặp ông Phan Thanh Xuân (SN 1968) để được trò chuyện và chiêm ngưỡng bộ sưu tập của ông.
Chia sẻ về niềm đam mê có vẻ lạ, ông Xuân cho biết niềm đam mê khám phá, tìm tòi những góc cạnh trong xã hội thì đã có sẵn trong máu. Khi đọc một cuốn sách, bài báo hay ông thường cất giữ để nghiên cứu kỹ. Rồi cũng không biết cái cơ duyên nào đã thúc đẩy ông sưu tầm và lưu giữ những tư liệu cũ nói về quê hương Quảng Bình. Thấm thoắt đã hơn 20 năm ông Xuân hăng say với công việc đó.
"Tình yêu quê hương thì chắc hẳn ai cũng mang trong mình. Tôi chỉ cố gắng tìm hiểu ngọn ngành cục đất, hòn đá, cọng cỏ nơi mình sinh ra nó từng thế nào mà thôi. Đấy cũng xem như là một cách để thể hiện tình yêu với quê hương của một người con nhỏ bé", ông Xuân chia sẻ.
Nói về cái khó trong quá trình sưu tầm tư liệu và hình ảnh lịch sử về quê hương ông Xuân luôn lo lắng sự hiểu nhầm của mọi người về mục đích của bản thân. Bởi những hình ảnh xưa, dữ liệu cũ thường rất dễ đụng chạm đến các vấn đề lịch sử chưa rõ ràng, nhạy cảm. Với tinh thần cầu thị và tôn trọng sự thật, đứng ngoài chính trị, tôn giáo và mưu cầu lợi ích cá nhân, ông chỉ mong muốn góp phần vẽ nên hình ảnh xưa cũ của quê hương cho bản thân và con cháu mai sau được biết.
"Khi sưu tầm và nghiên cứu những tư liệu cũ sẽ khó tránh khỏi thị phi đâu đó dành cho mình. Bản thân luôn cố thanh minh rằng mình không là nhà sử học, mình chỉ sưu tầm, góp nhặt dữ liệu để tự tìm tòi nghiên cứu và để các thế hệ con cháu sau này hiểu thêm về quê hương mà thôi", ông Xuân chia sẻ.
Cùng với đó là những lo toan về cuộc sống cơm, áo, gạo tiền cũng đôi lần đưa ông vào thế khó khi phải chú tâm vào mưu sinh và quên bẫng đi đam mê của mình. Rồi việc bảo quản lượng sách, báo, hình ảnh và dữ liệu đồ sộ cũng gây ra nhiều khó khăn. Ông Xuân buồn vì nhiều tư liệu đã bị hư hỏng nặng hoặc mất đi vì bản than chưa có đủ kinh phí để trang bị những phương pháp bản quản tốt.
Khi được hỏi đã có những khó khăn thì ắt hẳn thuận lợi cũng không ít, ông Xuân cười nói, bản thân may mắn khi xuất thân là một kỹ sư công nghệ thông tin, từ những ngày máy tính và mạng máy tính còn xa lạ với số đông thì ông đã được tiếp cận và hưởng lợi từ sự bùng nổ của cuộc cách mạng thông tin, nhất là quá trình số hóa dữ liệu và công nghệ mạng. Cùng với đó, ông nhận được sự giúp đỡ nhiệt thành của những người bạn trong việc tìm kiếm và lưu giữ tư liệu.
"Có công nghệ trong tay mình có thể tiếp cận và lưu giữ được lượng tư liệu "khủng" rồi từ từ mà nghiên cứu, khai thác. Ngoài ra việc tiếp cận và lưu giữ cũng có sự hỗ trợ đắc lực từ những người bạn cùng đam mê. Nếu không có sự giúp đỡ này thì có lẽ cả gia sản mình cũng chẳng tiếp cận hết lượng lớn tư liệu như vậy", ông Xuân cho biết.
Không chỉ sưu tầm ông Xuân còn hăng say nghiên cứu những tư liệu mình có và mong muốn khám phá thêm những thông tin mới. Để có thể hiểu được nội dung của những bài viết tiếng nước ngoài nói về quê hương trong những bài báo, cuốn sách nhuốm màu thời gian ông Xuân đã mua từ điển tự học và dịch nội dung. Còn với nhiều hình ảnh quý về Quảng Bình ngày xưa mình có được, ông Xuân đã giành nhiều thời gian nghiên cứu, ghi chép, phân tích rất tỉ mỉ.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai ông Xuân cho biết sẽ tiếp tục sống với đam mê sưu tầm và nghiên cứu những cái xưa nói về quê hương nơi mình "chôn nhau, cắt rốn". Ông mong rằng từ việc hiểu những cái xưa cũ các thế hệ sau lại thêm yêu quê hương mình hơn.
"Những gì mình tích lũy, sưu tầm nhằm giúp các thế hệ con cháu về sau đỡ phải nhọc nhằn trong việc đi tìm những gì xưa cũ nói về quê hương. Hy vọng các bạn trẻ sẽ có điều kiện tiếp cận nhiều hơn, hiểu hơn về lịch sử quê hương mình. Và chắc chắn rằng, một khi càng "chạm" vào lịch sử, sẽ càng thấy yêu quê hương", ông Xuân chia sẻ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19