Điều trị thiếu máu đại hồng cầu tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Trong trường hợp nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin B12 và folate (vitamin B9), cần bổ sung các vitamin này để giúp cơ thể nhanh chóng hấp thu lượng vitamin thiếu hụt.
Tìm hiểu về bệnh thiếu máu đại hồng cầu
Bình thường hồng cầu có kích cỡ 80 - 100 femtoliters (fL). Với người mắc bệnh thiếu máu đại hồng cầu, có hồng cầu lớn bất thường > 100 fl, dẫn đến số lượng hồng cầu giảm sút và lượng hemoglobin trong hồng cầu cũng suy giảm. Hemoglobin là một protein chứa sắt vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Khi nồng độ hemoglobin thấp, cơ thể bị thiếu oxy gây ra các triệu chứng (tim đập nhanh, khó thở, da xanh xao…) của bệnh lý thiếu máu đại hồng cầu.
Triệu chứng:
Các triệu chứng khởi phát từ từ: ở giai đoạn đầu thường không xuất hiện triệu chứng rõ rệt (bệnh nhân thường tình cờ phát hiện khi làm các xét nghiệm về máu), ở giai đoan cuối thường xuật hiện các triệu chứng:
- Chán ăn.
- Mệt mỏi.
- Da xanh xao.
- Tim đập nhanh, khó thở.
- Giảm trí nhớ, khó tập trung…
Thiếu máu đại hồng cầu có thể làm tim đập nhanh, khó thở
Biến chứng:
Bệnh thiếu máu đại hồng cầu nếu diễn ra trong một thời gian dài và không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh gây ra các bệnh lý như viêm dây thần kinh ngoại biên, suy giảm trí nhớ… Ngoài ra, còn làm gia tăng nhịp tim, huyết áp, gây ra các bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim, suy tim…
Phân loại:
Được chia làm 2 dạng tùy theo rối loạn:
Dạng rối loạn sao chép AND của hồng cầu, tạo ra những hồng cầu có kích cỡ khổng lồ (Megaloblastic anemia). Đây là dạng thường gặp nhất của thiếu máu đại hồng cầu.
Dạng rối loạn làm gia tăng diện tích màng tế bào của hồng cầu (Nonmegaloblastic macrocytic anemia). Dạng này thường gặp ở người nghiện rượu, người mắc các bệnh lý ở gan (viêm gan, xơ gan…), nhược giáp.
Nguyên nhân:
Có nhiều nguyên nhân gây ra thiếu máu đại hồng cầu:
Dinh dưỡng: chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin B12 và folate (dạng tự nhiên của vitamin B9). Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra thiếu máu đại hồng cầu.
Bệnh lý: người mắc bệnh gan (viêm gan, xơ gan…), suy giáp thường bị thiếu máu đại hồng cầu.
Lối sống: nghiện rượu sẽ gây ra thiếu máu đại hồng cầu.
Thuốc: một số loại thuốc (thuốc chống động kinh, thuốc dùng trong hóa trị liệu…) khi sử dụng trong một thời gian dài sẽ gây ra tác dụng phụ thiếu máu đại hồng cầu.
Bổ sung vitamin
Điều trị thiếu máu đại hồng cầu tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Trong trường hợp nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin B12 và folate (vitamin B9), cần bổ sung các vitamin này ở dạng thuốc tiêm hay thuốc viên, để giúp cơ thể nhanh chóng hấp thu lượng vitamin thiếu hụt.
Vitamin B12 là tên gọi chung của một nhóm hợp chất hóa học polypyrrole có chứa cobalt và có cấu trúc tương tự nhau như hydroxocobalamin, cyanocobalamin, methylcobalamin…Vitamin B12 là một vitamin nhóm B tan trong nước, tham gia vào quá trình sản sinh ra hồng cầu của máu.
Folate (vitamin B9) là vitamin nhóm B tan trong nước, cần thiết cho quá trình tạo máu và tổng hợp axít nucleic trong cơ thể.
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, người bệnh cần tăng cường chế độ dinh dưỡng giàu vitamin B12 (thịt, cá, gan, trứng, sữa…) và folate (rau qủa, ngũ cốc, gan, thịt…) để nâng cao hiệu quả điều trị!