Các nhà nghiên cứu tại Đại học Toledo (bang Ohio, Mỹ) đã phân tích 26 nghiên cứu đã được công bố trước đây, trong đó có một số thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát, nhằm tìm hiểu tác dụng của một số sản phẩm chức năng bổ sung vitamin đối với bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị trong bệnh viện.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy các sản phẩm chức năng bổ sung vitamin D, C và kẽm không có tác dụng ngăn tử vong ở các ca COVID-19 nặng.
Nghiên cứu trên tập trung đặc biệt vào việc tìm hiểu liệu có lợi ích lâm sàng nào hay không khi sử dụng các sản phẩm bổ sung vitamin cho những người mắc COVID-19 nặng.
Nghiên cứu không tìm hiểu liệu tình trạng thiếu vitamin từ trước ở bệnh nhân có làm tăng độ nặng của bệnh hay không, cũng như liệu sử dụng các sản phẩm bổ sung vitamin có tác dụng ngăn chặn nguy cơ mắc COVID-19 hay không.
Đánh giá của Đại học Toledo, dựa trên số liệu của 5.633 bệnh nhân, cho thấy các sản phẩm bổ sung vitamin D, C hay kẽm không có tác dụng giảm nguy cơ tử vong so với các bệnh nhân không dùng các sản phẩm này.
Chuyên gia dẫn đầu nghiên cứu trên, ông Azizullah Beran nhấn mạnh: "Nhiều người tưởng nhầm rằng bổ sung các loại vitamin nói trên có thể giúp ích cho kết quả điều trị lâm sàng COVID-19. Điều này chưa được chứng minh là đúng."
Xem xét kỹ các dữ liệu của 26 nghiên cứu kể trên, các nhà nghiên cứu của Đại học Toledo phát hiện rằng các sản phẩm bổ sung vitamin C và kẽm không giúp ích cho các bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện so với những người không sử dụng các sản phẩm này.
Tuy nhiên, có một số dấu hiệu nhỏ cho thấy các sản phẩm bổ sung vitamin D có thể giúp giảm nguy cơ bệnh nhân phải đặt nội khí quản và giảm thời gian điều trị trong viện.
Các nhà nghiên cứu thận trọng ghi nhận rằng có sự không nhất quán giữa các nghiên cứu về lợi ích của vitamin D trong điều trị bệnh nhân nặng.
Một số thử nghiệm lâm sàng đã phát hiện việc cho bệnh nhân COVID-19 trong viện sử dụng vitamin D không giúp ích gì, trong khi các nghiên cứu khác ghi nhận lợi ích không lớn.
Chuyên gia Beran và các cộng sự kêu gọi tiến hành thử nghiệm lâm sàng tập trung hơn vào hiệu quả của vitamin D đối với bệnh nhân nặng.
Dù nghiên cứu của Đại học Toledo đặc biệt tập trung vào các sản phẩm bổ sung vitamin như một phương pháp điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng, có nghiên cứu đã xem xét liệu một lượng vitamin đã có trong cơ thể người bệnh có thể có tác dụng nào đó đối với mức độ bệnh hay không.
Đến nay, kết quả về chủ đề này không đồng nhất, một số nghiên cứu phát hiện sự liên quan giữa lượng vitamin D sẵn có trong cơ thể với mức độ nặng của bệnh và tỷ lệ tử vong, trong khi các nghiên cứu khác không thấy có sự liên quan quan.
Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) cho biết chưa có đủ bằng chứng để đưa ra khuyến cáo phản đối hay ủng hộ việc sử dụng các sản phẩm bổ sung vitamin D, C hay kẽm trong điều trị COVID-19. NIH cũng cảnh báo nếu bổ sung quá nhiều kẽm có thể dẫn đến bệnh về đường ruột.
Nhóm nghiên cứu khẳng định không nên sử dụng các sản phẩm bổ sung vitamin như một phương pháp điều trị thay thế cho bệnh nhân COVID-19.
Ông Beran nói: "Nếu bạn không cso bệnh cần phải bổ sung vitamin thì không nên sử dụng các sản phẩm này với suy nghĩ rằng chúng sẽ bảo vệ bạn trước COVID-19. Chúng sẽ không ngăn nhiễm bệnh và không ngăn tử vong do mắc COVID-19."
Nghiên cứu trên đã được công bố trên tạp chí Clinical Nutrition Espen.
Sáng 22/2: Đông nghẹt F0 Hà Nội xếp hàng đến Trạm Y tế test COVID-19, phường kêu quá tải