Nếu một đứa trẻ không được nhận đủ vitamin D và canxi có thể mắc "còi xương". Đây là tình trạng làm cho xương mỏng và yếu. Một số trẻ bị còi xương có thể có chân vòng kiềng.
1. Bổ sung vitamin D
Trẻ nào có nguy cơ thiếu vitamin D?
- Mặc dù sữa mẹ có dinh dưỡng tốt nhất và phù hợp nhất đối với trẻ, nhưng trong sữa mẹ đôi khi lại không có đủ vitamin D. Sự thiếu hụt vitamin D trong sữa mẹ có nhiều nguyên nhân: Do người mẹ tiêu thụ không đủ vitamin D, do hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ là không đủ cho nhu cầu của một đứa trẻ… Vì vậy, trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn hoặc bú mẹ kết hợp một ít sữa công thức dễ bị thiếu vitamin D.
Ngoài ra, những trẻ sau đây cũng có nguy cơ thiếu vitamin D:
- Da tối màu.
- Những trẻ đã ăn dặm nhưng chế độ ăn không đủ vitamin D, không uống đủ sữa.
- Trẻ phải dùng một số loại thuốc làm ảnh hưởng đến việc hấp thu vitamin D.
- Trẻ sinh thiếu tháng.
- Trẻ mắc một số bênh lý có thể gây ra thiếu hụt vitmin D như bệnh xơ nang hay bệnh Celiac.
- Trẻ ít khi được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (do không được ra ngoài trời nắng hoặc sống ở vùng khí hậu có rất ít ánh nắng).
Cần bổ sung vitamin D cho trẻ bao nhiêu là đủ?
Đối với những trẻ em có nguy cơ cao thiếu hụt vitamin D nêu trên, việc cung cấp vitamin D là cách tốt nhất để trẻ có đủ vitamin D cho hệ xương khỏe mạnh. Có thể lựa chọn bổ sung vitamin D thông qua viên thuốc, viên nang, dung dịch… tùy từng lứa tuổi để lựa chọn dạng bào chế và hàm lượng phù hợp.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cần từ 400 đến 600 đơn vị quốc tế vitamin D mỗi ngày, bắt đầu ngay vài ngày sau sinh. Nếu trẻ có một số tình trạng bệnh lý có thể gây thiếu hụt vitamin D sẽ cần được cung cấp nhiều hơn. Điều này cần được bác sĩ khám và chỉ định.
Một điều rất quan trọng là không cho trẻ dùng quá nhiều vitamin D. Bởi thừa vitamin D có thể sẽ làm cho bé thêm bệnh.
Đối với việc băn khoăn liệu trẻ thừa - thiếu hay đủ vitamin D, thì có thể thực hiện xét nghiệm để kiểm tra nồng độ vitamin D trong máu.
Đối với một đứa trẻ khỏe mạnh, nên cho trẻ ăn chế độ dinh dưỡng đa dạng. Trẻ có thể hấp thu đủ vitamin D từ các nguồn thực phẩm:
- Sữa công thức, sữa chua có bổ sung vitamin D.
- Cá hồi, cá thu, cá ngừ (đóng hộp)
- Ngũ cốc có bổ sung vitamin D.
- Dầu gan cá tuyết.
Con bạn cũng có thể lấy vitamin D từ ánh nắng mặt trời. Cơ thể sử dụng ánh nắng mặt trời chiếu lên da để tạo nên vitamin D. Cho trẻ chơi đùa ngoài trời giúp cho trẻ có 2 lợi ích cùng lúc: Vận động và lấy được vitamin D.
2. Bổ sung canxi
Một đứa trẻ bị thiếu canxi có thể bị còi xương, chậm lớn và ảnh hưởng đến quá trình phát triển chiều cao của trẻ. Đối với trẻ em, khi thiếu canxi không chỉ làm trẻ chậm lớn, răng mọc chậm mà còn ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Trẻ nhỏ thiếu canxi khiến cơ thể mệt mỏi, lười ăn, quấy khóc. Trẻ lớn thiếu canxi dễ cáu gắt, hay đổ mồ hôi, chậm lớn, lười hoạt động…
Do đó, việc bổ sung canxi cho trẻ là rất cần thiết. Tuy nhiên, bổ sung canxi cho trẻ như thế nào, bao nhiêu là đủ lại phụ thuộc vào từng tình trạng sức khỏe cũng như chế độ ăn hằng ngày của trẻ. Với trẻ ăn sữa công thức, được phơi nắng đúng cách, có chế độ ăn đa dạng, thực phẩm giàu canxi… có thể không cần bổ sung canxi và vitamin D.
Nhu cầu canxi của trẻ lại khác nhau ở mỗi độ tuổi lại khác nhau. Cụ thể:
- Trẻ dưới 6 tháng cần 300mg/ngày.
- Trẻ từ 7 tháng đến 1 tuổi cần 400mg/ngày.
- Trẻ từ 1 đến 3 tuổi cần 500mg/ngày.
- Trẻ từ 4 đến 6 tuổi cần 600mg/ngày.
- Trẻ từ 7 đến 9 tuổi cần 700mg/ngày
- Trẻ 10 tuổi cần 1000mg/ngày
- Từ 11 tuổi trở lên cần 1200mg/ngày
Mặc dù canxi là khoáng chất rất cần thiết cho trẻ, tuy nhiên việc bổ sung cũng cần đúng cách mới mang lại hiệu quả. Thiếu canxi làm ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ, nhưng thừa canxi cũng gây hại (canxi tích tụ gây vôi hóa hoặc sỏi thân; khiến cơ thể giảm hấp thu các khoáng chất khác như: sắt, magie, kẽm…). Do đó, để bổ sung canxi bao nhiêu là đủ, cha mẹ cần được tham vấn của bác sĩ trước khi cho trẻ dùng.
Ngoài ra, khi bổ sung canxi thì cũng cần bổ sung vitamin D. Bởi vitamin D là chất dẫn truyền giúp cơ thể hấp thu canxi. Nếu chỉ bổ sung canxi mà thiếu vitamin D thì cũng không mang lại hiệu quả.
Ngoài bổ sung canxi dạng chế phẩm thuốc, thì các thực phẩm giàu canxi mà cha mẹ nên cho trẻ ăn hằng ngày, như:
- Sữa, các sản phẩm từ sữa.
- Trứng.
- Các loại hải sản: Cá, tôm, cua, sò…
- Các loại thịt nạc: Thịt gà, bò…
- Các loại rau cải xoăn, cần tây, bắp cải…
Mời độc giả xem thêm video:
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19