Bổ sung vitamin D trong mùa dịch nên hay không?

01-09-2021 13:35 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Thiếu vi chất ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, nhất là trẻ em. Trong số đó, vitamin D là một vi chất rất quan trọng, có hàm lượng rất nhỏ trong thực phẩm thông thường. Với chế độ ăn bình thường, dường như không thể cung cấp đủ nhu cầu hàng ngày của cơ thể.

LTS: Trong bối cảnh giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19, phần lớn thời gian chúng ta ở trong nhà, ăn có khi lại không đủ dinh dưỡng... làm gia tăng sự thiếu hụt vitaminkhoáng chất. Khi thiếu hụt các vi chất này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe. Báo Sức khỏe và Đời sống trân trọng giới thiệu cùng độc giả các bài viết về vấn đề thiếu hụt này cùng các giải pháp bổ sung thế nào cho hợp lý…

Vai trò của vitamin D đối với cơ thể

Vitamin D có vai trò quan trọng để xây dựng bộ xương và răng khỏe mạnh; giúp tăng cường hấp thu canxi, phốt pho tại ruột; tăng cường lắng đọng khoáng chất vào xương và giảm quá trình mất các khoáng chất này qua nước tiểu.

Giống khi xây một ngôi nhà, vitamin D được ví như một người vận chuyển gạch vữa đến đúng vị trí, làm tăng sự gắn kết giữa các viên gạch để xây một ngôi nhà lớn.

Bổ sung vitamin D trong bối cảnh COVID 19 - Ảnh 2.

Một số thực phẩm giàu vitamin D.

Gần đây, các nghiên cứu cho thấy vitamin D còn hoạt động như một hormone tham gia vào nhiều quá trình chuyển hoá trong cơ thể, tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm ung thư, tăng cường miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm trùng hô hấp và hen suyễn…

Thiếu vitamin D làm trẻ thường xuyên kích thích, khó ngủ, ăn uống kém, hay bị giật mình, ra mồ hôi trộm, rụng tóc vùng gáy, nặng hơn nữa là ảnh hưởng đến phát triển xương như chậm liền thóp, bướu đầu, răng mọc chậm, lộn xộn hoặc dễ mòn mủn, biến dạng xương… gây bệnh còi xương.

Ở những bệnh nhân nhiễm COVID-19, ghi nhận thấy tình trạng thiếu vitamin D hay gặp ở nhóm bệnh nhân có triệu chứng nặng hơn.

Ai có nguy cơ cao hơn thiếu vitamin D?

- Trẻ nhỏ bú mẹ hoàn toàn, trẻ sinh non.

- Người có chế độ ăn chay trường.

- Người có da tối màu, nhất là chủng người da đen

- Người thừa cân, béo phì.

- Bệnh nhân đang dùng thuốc kháng động kinh, corticoid hoặc bệnh lý xơ nang, bệnh gan mật hoặc bệnh lý ruột mạn tính.

- Nhân viên văn phòng, những người thường xuyên không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc tiếp xúc trong thời gian UVB yếu, mặc quần áo quá dày, che kín và sử dụng kem chống nắng.

- Sống trong mùa đông, tại các vùng cao, lạnh quá nhiều mây mù, cường độ ánh sáng yếu.

- Trong bối cảnh giãn cách xã hội vì COVID-19, hầu như tất cả mọi người đều có nguy cơ thiếu do phải ở trong nhà dài ngày.

Bổ sung vitamin D trong bối cảnh COVID 19 - Ảnh 3.

Thiếu vitamin D làm ảnh hưởng đến sự phát triển xương ở trẻ em.

Nhu cầu Vitamin D hàng ngày là bao nhiêu?

Nhu cầu vitamin D của mỗi người phụ thuộc vào độ tuổi, theo đó:

- Trẻ dưới 12 tháng 400IU/ngày.

- Trẻ từ một tuổi và người lớn cho đến 70 tuổi là 600IU/ngày.

- Người già trên 70 tuổi là 800IU/ngày.

Cách nào nạp đủ vitamin D?

Bổ sung vitamin D qua thực phẩm tự nhiên, tuy nhiên, vitamin D có trong thực phẩm là rất nhỏ:

- Trong 1lít sữa mẹ có khoảng 40IU vitamin D.

- Trong 1 lít sữa bò có khoảng 70 IU vitamin D.

Một số loại thực phẩm chứa vitamin D cao hơn, ví dụ như:

- Trong 100g cá hồi đại dương có 1000IU vitamin D.

- Trong 200g cá ngừ đóng hộp có 400IU (phải ăn hơn 1kg cân trứng luộc mới đủ lượng vitamin D này).

Do đó việc bổ sung ăn đủ vitamin D qua thực phẩm theo nhu cầu gần như không khả thi.

Tổng hợp vitamin D dưới da nhờ tác dụng của tia cực tím UVB, đây là nguồn lớn nhất, chủ yếu của cơ thể.

Từ các nguồn bổ sung bằng thuốc, thực phẩm chức năng đối với một số trường hợp.

Những lưu ý gì khi bổ sung vitamin D

Vitamin D tan trong dầu, có thể uống vào tất cả thời điểm trong ngày, miễn là trong hoặc sau bữa ăn có dầu mỡ để tăng hấp thụ.

Vitamin D3 có khả năng hấp thu tốt hơn vitamin D2 từ thực vật, nên được ưu tiên sử dụng.

Các nghiên cứu thấy rằng, ở người thiếu vitamin D có nguy cơ mắc COVID-19 nặng hơn, nhưng vitamin D không phải thuốc điều trị COVID-19, chỉ cần uống đủ, bởi uống quá 1000IU/ngày không có lợi ích khác biệt, thậm chí còn gây thừa vitamin D nếu lạm dụng. 

Khi trẻ đã bị thiếu hụt, béo phì, còi xương do thiếu vitamin D hoặc mắc một số bệnh lý cần nhu cầu vitamin D cao nên được định lượng vitamin D trong máu, liều khởi đầu điều trị sẽ khá cao, sau đó mới dùng liều duy trì hàng ngày do bác sĩ chỉ định, không được tự ý dùng liều cao có thể gây ngộ độc.

Ba triệu chứng cảnh báo thiếu hụt vitamin DBa triệu chứng cảnh báo thiếu hụt vitamin D

SKĐS - Bổ sung đầy đủ vitamin D sẽ có tác động tích cực đến hoạt động của hệ thống miễn dịch, giúp ngăn ngừa nhiều bệnh…

* Mời độc giả xem tiếp bài: Tắm nắng để bổ sung vitamin D, làm sao an toàn?

BS Trần Đồng - BS.Vũ Ngọc Hà
Ý kiến của bạn