Hà Nội

Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng

12-06-2024 09:10 | Thời sự

SKĐS - So với Luật BHXH hiện hành, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều thay đổi lớn, trong đó có việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng, thể chế hóa quan điểm tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định, công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ 75 tuổi trở lên; không hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng theo quy định của Chính phủ và có đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

 Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn mà không hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng theo quy định của Chính phủ và có đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo về vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Là chính sách nhân văn được nhiều cử tri và nhân dân mong đợi, chính sách trợ cấp hưu trí xã hội đã thể chế hóa một bước chủ trương điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội của Nghị quyết số 28, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Quy định này thể hiện rõ hơn sự kết nối giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội, BHXH cơ bản, bảo hiểm hưu trí bổ sung, hướng tới bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trong các giai đoạn của cuộc đời khi còn trẻ đến khi về già, hết tuổi lao động. 

Bên cạnh đó, việc quy định về trợ cấp hưu trí xã hội và mối liên kết với BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện cũng sẽ giúp cho người lao động thấy rõ hơn quyền được lựa chọn và lợi ích khi hưởng trợ cấp hằng tháng thay cho việc hưởng BHXH một lần.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, để khuyến khích việc tham gia đóng BHXH thay cho việc hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi về già, dự luật chỉ quy định độ tuổi để hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là từ 70 - dưới 75 tuổi đối với người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. 

Đồng thời, bổ sung quy định thể hiện liên kết tầng giữa chính sách hưu trí xã hội với BHXH cơ bản (được quyền chọn hưởng trợ cấp hằng tháng từ khi đủ tuổi nghỉ hưu đến trước tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ chính phần đã đóng BHXH của mình thay vì hưởng BHXH một lần; trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng, được ngân sách Nhà nước đóng BHYT...).

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, dự thảo Luật quy định rõ hơn về mối quan hệ liên kết giữa các tầng BHXH, giúp người tham gia thấy rõ lợi ích khi bảo lưu thời gian đóng BHXH để được hưởng chính sách khi không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHXH để khuyến khích người lao động tham gia BHXH tự nguyện thay vì trông chờ trợ cấp hưu trí xã hội.

Lý do đề xuất hạ dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

Trước ý kiến đề nghị đánh giá kỹ lưỡng việc hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do đây là chế độ phi đóng góp, trái với nguyên tắc đóng - hưởng, dễ gây tâm lý cho người lao động chủ quan cứ rút một lần vẫn sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trợ cấp hưu trí xã hội là loại hình BHXH do ngân sách Nhà nước bảo đảm cho người cao tuổi đủ điều kiện theo quy định của Luật. 

Việc hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là cần thiết để thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW bao gồm: "mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân"; đến năm 2030 phấn đấu đạt "khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội" và "điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách".

Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng- Ảnh 2.

Chi trả lương hưu, trợ cấp cho người dân Ảnh: Hoàng Hiếu

Theo số liệu thống kê, tính đến cuối 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam); trong đó, tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội chỉ khoảng hơn 5,1 triệu người, chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu (số người hưởng lương hưu là 2,7 triệu người; số người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khoảng 630 nghìn người; số người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (trợ cấp người cao tuổi) là hơn 1,8 triệu người).

Như vậy, vẫn còn khoảng 9,3 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội. Việc phấn đấu đạt được mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu sẽ là một thách thức rất lớn.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tiếp tục điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ trên cơ sở đề xuất của Chính phủ.

Thái Bình
Ý kiến của bạn