Theo Bộ Công an, quá trình triển khai thi hành Luật CCCD 2014, một số tồn tại, bất cập cần sửa đổi, bổ sung đã xuất hiện. Cụ thể như sau:
Một là hiện nay công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau như CCCD, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh, giấy phép lái xe...
Việc có quá nhiều loại giấy tờ khác nhau gây khó khăn nhất định cho công dân trong lưu trữ, sử dụng, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, sử dụng các tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước...
Hai là việc giới hạn các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD theo quy định tại Điều 9, Điều 15 Luật CCCD gây khó khăn nhất định khi triển khai đề án, thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Ba là Luật CCCD không quy định về cấp số định danh cá nhân cho trường hợp người gốc Việt Nam là người không quốc tịch nhưng đang sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam.
Luật CCCD chưa có quy định về việc hủy, xác lập lại số định danh cá nhân đối với trường hợp công dân có quyết định thôi quốc tịch, công dân được nhập trở lại quốc tịch Việt Nam...
Bốn là cần thiết bổ sung vào Luật CCCD quy định chuyển tiếp để bảo đảm việc sử dụng, thay thế từ CMND sang CCCD của công dân được thuận lợi hơn; hạn chế phát sinh các thủ tục khác đối với công dân.
Đáng chú ý, theo Bộ Công an, Luật CCCD mới chỉ tập trung vào việc quản lý công dân qua Cơ sở dữ liệu CCCD, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua CCCD mà chưa có quy định về tài khoản định danh điện tử đối với tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử.
Do vậy, Bộ Công an đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho Dự thảo.
Bộ Công an nhấn mạnh, từ ngày 1/1/2023, khi sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy đã "khai tử", tài khoản định danh điện tử là một trong các phương thức thay thế loại giấy tờ thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Theo Điều 14 Nghị định 59/2022/NĐ-CP quy định, mọi công dân đã có CCCD gắn chip được đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1 qua ứng dụng VNelD. Còn đối với người chưa được cấp căn cước gắn chip, cơ quan công an sẽ trực tiếp cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với CCCD.
Ngoài ra, theo Điều 11 Nghị định số 59/2022/NĐ-CP, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp tài khoản định danh điện tử. Đối với công dân là người chưa đủ 14 tuổi hoặc người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.