1. Vai trò của sắt
Sắt là một trong những nguyên tố vi lượng thiết yếu nhất trong cơ thể. Thiếu sắt có thể làm ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ. Vai trò chính của sắt là vận chuyển oxy từ phổi đến các cơ quan khác nhau, nhưng sắt cũng tham gia vào quá trình hình thành các tế bào hồng cầu.
Thiếu sắt có thể dẫn đến thiếu máu. Các triệu chứng thiếu sắt có thể là mệt mỏi và chóng mặt. Sắt cũng giúp bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng.
Lượng sắt hấp thụ không đủ có thể được chẩn đoán bằng cách đo hai loại protein trong máu: Huyết sắc tố và ferritin, một loại protein trong máu giúp đánh giá tình trạng dự trữ sắt của cơ thể.
2. Thực phẩm bổ sung sắt
Sắt được hấp thu qua đường tiêu hóa, có hai dạng: Sắt heme có trong thịt, cá và hải sản và sắt không heme có trong thực vật và các sản phẩm từ sữa.
Sắt heme được cơ thể hấp thụ tốt hơn so với sắt không phải heme.
Mặc dù được tìm thấy tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm, nhưng sắt cũng được thêm vào một số sản phẩm thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng và được phổ biến rộng rãi dưới dạng thực phẩm bổ sung.
Các chất bổ sung sắt không kê đơn hoặc kê đơn có nhiều dạng: Viên nén, viên phóng thích chậm, chất lỏng...
Sắt cũng thường được kết hợp với nhiều khoáng chất và vitamin khác và là thành phần phổ biến trong các chế phẩm vitamin tổng hợp cho cả người lớn và trẻ em. Hàm lượng sắt trong các công thức này rất khác nhau.
3. Khi nào cần bổ sung sắt?
Nếu chế độ ăn uống hàng ngày không cung cấp đủ sắt, có thể phải bổ sung bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Thiếu sắt phải được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu cũng như đánh giá các triệu chứng. Trong trường hợp thiếu hụt, việc kê toa sắt có thể khắc phục các triệu chứng liên quan đến thiếu máu và giúp ngăn ngừa thiếu sắt ở phụ nữ mang thai.
Ở những người bị thiếu sắt, bổ sung sắt có hiệu quả trong việc chống lại sự mệt mỏi đặc biệt những người bị mệt mỏi mãn tính.
4. Coi chừng nguy cơ quá liều sắt
Bổ sung sắt cần phải được thực hiện dưới sự giám sát y tế. Bổ sung sắt quá liều là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc sắt. Mặc dù ngày nay tử vong do ngộ độc sắt không còn phổ biến như trước, nhưng ngộ độc sắt vẫn là một mối đe dọa.
Lượng sắt dư thừa không được đào thải ra khỏi cơ thể gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy và chảy máu. Những triệu chứng này có thể nhanh chóng dẫn đến mất nước, máu gây nguy hiểm.
Quá liều sắt, cấp tính hoặc mãn tính, dẫn đến ngộ độc nghiêm trọng, có thể dẫn đến co giật, hôn mê, suy đa cơ quan và thậm chí tử vong. Vì vậy, không được tự ý bổ sung sắt, có thể dẫn đến quá liều sắt.
Để ngăn ngừa ngộ độc sắt, cần lưu ý:
- Luôn tham khảo ý kiến chuyên gia y tế trước khi bổ sung sắt hoặc bất kỳ loại vitamin hoặc chất bổ sung nào chứa sắt.
- Thực hiện theo các hướng dẫn trên nhãn khi dùng thực phẩm bổ sung sắt.
- Không dùng nhiều hơn một chất bổ sung có chứa sắt hoặc nhiều sản phẩm bổ sung có thành phần giống nhau nếu chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Lưu trữ tất cả các chất bổ sung có chứa sắt và vitamin tổng hợp ngoài tầm với và tầm nhìn của trẻ em.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Những người có nguy cơ cao mắc ung thư khoang miệng