Lê Thu Lan (Hà Nội)
Kẽm là một nguyên tố vi lượng quan trọng. Nó tham gia vào thành phần cấu trúc tế bào, tác động đến hầu hết các quá trình sinh học trong cơ thể. Kẽm giúp tăng cường miễn dịch, giúp mau lành vết thương. Mặc dù cơ thể không cần một lượng lớn kẽm, nhưng nếu thiếu sẽ gây ra nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe.
Khi bị thiếu kẽm thường có các triệu chứng như: mất cảm giác ngon miệng, miễn dịch kém (dễ mắc bệnh), tiêu chảy, rụng tóc, vết thương lâu lành, tâm trạng thờ ơ... Những đối tượng dễ bị thiếu kẽm như: nghiện rượu, hấp thu kém, không bổ sung đủ kẽm thông qua chế độ ăn uống, người mắc bệnh mạn tính (viêm loét đại tràng, bệnh đái tháo đường, bệnh thận, gan mạn tính), người ăn chay, người lớn tuổi, dùng một số loại thuốc có thể làm tăng giải phóng kẽm trong cơ thể...
Để phòng thiếu kẽm tốt nhất nên bổ sung kẽm thông qua thực phẩm giàu kẽm như: hàu, gan, sò, thịt đỏ, trứng, ngũ cốc thô, các loại đậu, các loại rau, củ, trái cây...
Chỉ bổ sung bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, sau khi tiến hành kiểm tra nồng độ kẽm xem có bị thiếu hụt hay không. Vì vậy, trong trường hợp của chị muốn bổ sung bằng thuốc cần đi khám, tránh tự ý mua dùng, vì nếu thừa kẽm cũng gây nhiều bất lợi như: buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy và suy giảm hệ thống miễn dịch...